Việt Hải Giới Thiệu CD QUÊN
Cali đang vào mưa. Mùa mưa nặng trĩu hạt năm nay khác với những năm trước. Tôi nghe tiếng mưa rơi thì thầm, rơi rỉ rả ở ngoài sân. Bên trong tiếng nhạc vang lên nhạc phẩm “Quên” thật buồn vời vợi:
“...Gót hồng quên mất con đường
Để cỏ hoa cũng rộn ràng nhớ mong
Gặp người ngại bước song song
Đường xa xa lắc, chùng lòng chẳng yên
Nhớ ai, cái nhớ mỏi mòn
Lương duyên ai định: mất, còn, rủi, hên...”
Đó là bài thơ “Quên” của thi sĩ Vương Ngọc Long (VNL) được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (PAD) xuất sắc phổ thành nhạc. Đây là một CD nhạc mới bóc vỏ trên tay tôi với 12 bài tình ca PAD phổ toàn tình thơ VNL. Nhạc vẫn tiếp tục dâng lên trong căn phòng đọc sách nhỏ ấm cúng của tôi. Tôi biết VNL rất tình cờ. Nếu thập niên 70’s thi ca Việt Nam vồn vã đón nhận Nguyễn Tất Nhiên với những tình thơ có giá trị vượt thời gian, đã đựơc nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc. Ngày nay, trong ý nghĩ riêng tôi vườn hoa thi ca âm nhạc một lần nữa tiếp nhận thêm Vương Ngọc Long đang miệt mài dâng cho đời những áng tình thơ bất diệt. Anh đang thi vị hóa cơn mưa ngoài kia trong bài “Quỳnh Hoa” như sau:
“Trăng nằm vỗ giấc đăm chiêu
Đêm và tôi đã chia đều suy tư
Ngậm ngùi ... đi ở ... phù du
Những vì sao lẻ rơi từ thinh không
Mưa đêm lất phất phập phồng
Phút giây bỗng bạc má hồng đời hoa...”
Rồi mưa lại tiếp tục rơi bên ngoài, mưa rơi trong thơ VNL qua bài “Mùa xuân nào có nhau?”, mưa rơi như báo hiệu mùa mưa chợt đến như ngày hôm nay, khi cành mai trước ngõ nhà tôi vẫn tươi thắm hé nụ, nhưng người ta sẽ tự hỏi lộc xuân bao giờ đem tình yêu lại để đôi tình nhân có nhau:
“Mưa buông mình bất chợt
Trên góc phố hoang tàn
Giữa đêm dài đợi gió
Tình yêu như sao băng
...
Cành mai vàng hé nụ
Lộc xanh biếc ban đầu
Niềm tin yêu chợt sáng
Mùa xuân nào có nhau?”
Trong nỗi nhớ mơ màng về mộng tình đầu dấu ái, VNL lại bồi hồi âu yếm ru người yêu qua bài “Ngủ đi em”:
“Khi em ngủ màn đêm hờ khép kín
Hạt sương nằm vương vấn đọng bờ mi
Đêm thảng thốt muôn vì sao bật sáng
Lá rung cành thở nhẹ tiếng thì thầm
Em ơi, ngủ đi em
Anh ru em ngọt ngào ca dao
Ngủ đi em say giấc nồng
Ngủ đi em, em yêu, ngủ đi em...”
Kế tiếp là bài “Quỳnh Mơ” theo thể điệu valse nhịp nhàng và du dương, lời thơ thấm đượm trữ tình :
“Lãng đãng quỳnh hoa gió quyện hương
Đêm vàng luân vũ điệu du dương
Sông xanh lấp lánh đêm ngà ngọc
Trổi khúc ân tình quyến luyến thương
Thi sĩ ngừơi ơi đứng ngẩn ngơ
Nhìn em kiều diễm đóa quỳnh mơ
Ôm vầng trăng mộng người xưa cũ
Trút bỏ linh hồn đắm tuổi thơ...”
Hoa Quỳnh vốn là hoa quý. Riêng với tôi, Quỳnh tựơng trưng cho sự tinh khiết và kín đáo vì Quỳnh chỉ nở về đêm. Trong cái tâm tình đó chúng ta hãy lắng nghe nhạc phẩm kế là “Quỳnh Thi” đựơc PAD phổ theo âm điệu tango thánh thót bước chân :
“Vườn trăng nở rộ
Trắng muốt đóa Quỳnh Thi
Màn đêm chia cách
Nức nở bờ lưu ly
Em đóa Quỳnh Thi
Sương thấm ướt hàng mi
Lung linh diệu ảo
Lệ đẫm sầu chia ly...”
Người thi sĩ chạnh lòng hướng nhìn về cố quốc trong nỗi ngậm ngùi, thổn thức tình hoài hương và cô đơn trong nỗi nhớ u hoài:
“... Căn nhà ta tạm trú
Quạnh quẽ vầng trăng thơ
Ngậm ngùi đêm tĩnh mặc
Sông núi sầu bơ vơ
Lời ru trong tiềm thức
Xa xăm mấy dặm ngàn
Dưới hiên nhà dĩ vãng
Lắt lay cánh mai vàng
Mùa xuân vừa chợt thức
Nhập cuộc đời tha hương
Ta lê chân hành khất
Xin ngừơi chút quê hương.”
Đó là bài “Xin người chút quê hương”. Giọng người ca sĩ đã ray rứt, bùi ngùi vang lên khúc hát ly hương cho hằng triệu ngừơi Việt hiện sống xa xứ.
Trong bóng đêm người thi sĩ nghĩ về hoài niệm, mơ về dĩ vãng xa xưa. Rồi bao kỷ niệm xa xưa đó lại ẩn hiện bên đóa quỳnh hương phô trương vẽ đẹp sắc thắm kiêu sa trong bóng đêm:
“... Mùa thu ấy đôi mắt buồn man mác
Ngong ngóng chờ hoài niệm hóa rêu xanh
Ta lục lọi trong ngôi vừơn chữ nghĩa
Chồi cây khô bỗng chuyển nhựa rung cành
....
Em còn đó xõa lòng đêm tóc rối
Tôi đứng đây bụi lốc mịt mù xa
Nghìn mắt lá đang nhìn tôi aí ngại
Đêm nguyệt quỳnh hóa nở kiếp phù hoa...”
CD “Quên” gồm 12 khúc ca trữ tình đựơc ghi nhận theo thứ tự là: Xuân Mơ, Quỳnh Hoa, Quên, Ngủ Đi Em, Quỳnh Mơ, Quỳnh Giao, Quỳnh Thi, Xin Ngừơi Chút Quê Hương, Cho Ban Sơ Và Nắng Gió Tình Cờ, Mùa Xuân Nào Có Nhau, Sầu Khúc Xuân, Đêm Nguyệt Quỳnh. Hình bìa CD rất trang nhã đựơc vẽ bởi họa sĩ Đinh Cường và graphic layout đươc trình bày khéo léo bởi Mai Tâm. Tựa đề “Quên” màu vàng óng ả xa nhau, đựơc đan gần đôi tay của người thiếu nữ trong tà áo dài màu tím u buồn, phong bìa màu xanh lơ đầy hy vọng, màu xanh của tình yêu nhung nhớ. CD đựơc phát hành bởi Trung Tâm PAD Music.
Tóm lại, xuyên qua 12 tình ca Phạm Anh Dũng phổ thơ Vương Ngọc Long này, lời thơ VNL đôi lúc mang nét nhung nhớ, thẫn thờ, đôi lúc vui tươi và nhẹ nhàng. VNL quả là người thi sĩ đa cảm của hồn thơ lãng mạn. Tuy nhiên, hồn thơ trữ tình, lãng mạn đó đã được nhạc sĩ PAD khéo léo phổ thành những khúc tình ca tuyệt vời. Nhạc PAD vốn theo khuynh hướng loại nhạc tiền chiến và mang âm hưởng Đoàn Chuẩn – Từ Linh, nhẹ nhàng nhưng du dương và lột trọn ý nghĩa lời thơ. Sự thành công khi diễn tả của nhạc PAD là nhạc rất dễ dàng nhập tâm tư người thưởng ngoạn, vì ông rất tỉ mỉ, dè dặt với từng nốt nhạc, đắn đo từng lời thơ sao cho thơ - nhạc hài hòa, ăn khớp với nhau.
Nghe CD “Quên” với nỗi cảm xúc nhớ nhung nhẹ nhàng vì sự thành công khi công trình hỗn hợp của thơ trữ tình từ VNL, sự khéo léo do cấu trúc nhạc PAD và sự phối hợp, hòa âm của thiên tài Quốc Dũng, tôi xin trân trọng giới thiệu đến giới mộ điệu yêu thích nhạc tiền chiến CD “Quên”.
Để biết thêm chi tiết hay có CD “Quên”, xin liên lạc về: phamanhdung@juno.com
Việt Hải (Los Angeles)
Thơ Thơ Giới Thiệu CD QUÊN
Tôi nhận được CD "QUÊN" vào một ngày mưa đá, thật lạnh. Mở bao bì ra, trong là dòng chữ thân quen của anh Phạm Anh Dũng gởi tặng cô em gái hay ... "bắt đền".
Ðọc tựa đề CD tôi cứ tự hỏi Tại sao lại là ... QUÊN mà không là ... NHỚ? Ðịnh email hỏi ông anh nhưng thôi, lại ngại ông anh la "cái cô này hay ... vặn vẹo" thế nên đành ... Quên vậy!
"QUÊN" gồm 12 tình ca do Phạm Anh Dũng phổ thơ Vương Ngọc Long, Quốc Dũng phối khí, hoà âm cùng các giọng ca quen thuộc của SaiGon như Bảo Yến, Nhã Phương, Quang Minh, Hạnh Nguyên, Tấn Ðạt và Ðoan Trang.
Mỗi ca khúc là một gởi gấm tâm sự của nhạc sĩ, thi sĩ và ca sĩ tới người thưởng thức. Tuy ở những phương trời khác nhau nhưng qua âm nhạc họ đã quyện vào nhau, như một và chỉ một mà thôi. Có những ca khúc ý nhạc rất hay nhưng ca sĩ trình bày không đạt đã làm bài hát dở đi rất nhiều; Nhưng qua QUÊN - bạn sẽ không tìm thấy những đáng tiếc này.
Nhạc trong Quên không mới, không disco như giới trẻ kiếm tìm cũng không cũ như những năm 50, 60. Nhạc trong Quên như gió mơn man chồi xuân, như xanh rêu phủ bối rối để rồi khi nghe người ta tìm lại được những gì đã mất, những gì đã qua trong làn sóng âm thời đại.
Lời trong Quên chắt chiu từng rung cảm, ghi lại từng chuyển động của các thớ thịt về những cảm giác Nhớ, Quên, Vui, Buồn. Những rung động (mà) dường như ai cũng đã một lần đi qua nhưng chẳng mấy khi ghi lại.
Có bao giờ bạn bối rối khi nghe một lời ca ? Có bao giờ bạn thấy tim mình trở nhịp khi nghe một tấu khúc? Có bao giờ một tiếng hát, một cách phát âm hay cách nhã chữ đã làm bạn rúng động? và, có bao giờ bạn mở rộng vòng tay chào đón những ca khúc mới khi chỉ nghe qua một lần?
Trong Quên, bạn sẽ thấy được những cảm giác "có bao giờ" đó rất gần và rất thật. Thật như thể bản nhạc chỉ làm ra cho riêng mình. Gần như thể với tay sẽ chạm.
… bỗng chiều nắng muộn làm dấy động dòng sông, bỗng chiều nay sương mù trổ nụ đón vời xôn xao, bỗng chiều nay nhạc anh đưa Nhớ vào đời ...
Thơ Thơ Tháng 3/2003
Về thơ và nhạc
Ngô Sắc
Nói đến y tế là nói đến sức khoẻ. Sức khoẻ ở đây là bệnh tật. Mà bệnh tật thì buồn ... chết mồ. Ai không tin bữa nào rảnh cứ lang bang trước cửa mấy phòng mạch dòm vô là biết liền hà, mặt mũi người nào ngồi chờ ở trỏng cũng đều bị xị ráo hết ! Bệnh thì buồn, thế nên cả cuộc đời nghề nghiệp của bác sĩ nha sĩ ngó bộ phần lớn chỉ toàn gặp những bộ mặt ... đưa đám ! Khám bệnh xong thì lại phải cầm cái toa có những hàng chữ bí mật (mà ngay cả bác sĩ với nhau lắm khi họ cũng đọc không ra) đặng đi gặp dược sĩ, rồi tha thuốc viên thuốc nước thuốc bôi, lắm khi lỉnh kỉnh hơn cả thuốc nhét nữa, về nhà thong thả mà dùng với hy vọng cuộc đời nhờ thế lên hương được chút đỉnh, nếu không thì quả là ... phiền hà !
Trong tình trạng như vậy thì báo Y tế chỉ toàn chuyện y tế, nghĩa là những chuyện không mấy chi bình thường vì nó liên quan đến bệnh tật. Vì rằng báo Y tế ngó bộ không có chi nhiều những điều vui, thế nghĩa là trên nguyên tắc nó phải khô khan lắm !
Ngó vậy mà không phải vậy (hoặc nếu có vậy thì cũng sương sướng chút đỉnh thôi) . Cầm tờ Y tế lên người ta không phải chỉ thấy toàn những chuyện y tế (nghĩa là chuyện sức khoẻ và bệnh tật) mà còn đủ chuyện văn chương thi phú (nghĩa là chuyện nghệ thuật). Mà trời ạ, các quí vị "sĩ " của Y tế ngó bộ họ thành công dễ dàng lắm trong địa hạt hầu như trái ngược này. Sau đây là một thí dụ :
Ngố mới ‘tậu’ được cái CD có tựa Quên của ông nhạc sĩ Phạm Anh Dũng. Nhạc sĩ viết nhạc có chi là lạ, nhưng viết cho ngon lành và viết bằng tay trái thì mới là chuyện để bàn (tay phải ông mắc cầm ... ống chích !) Và lại còn được bàn trên báo Y tế nữa mới là ... ly kỳ sốt dẻo ! Còn chuyện khác cũng sốt dẻo ly kỳ không kém : Lời của cả 12 bản nhạc trong CD này là của thi sĩ Vương Ngọc Long, nghĩa là 12 bài thơ của ông Vương được ông Phạm phổ nhạc vào (ông Vương nghe đồn vừa ngó toa vừa mơ màng, nhưng tới nay vẫn chưa bao giờ ... giao thuốc lộn !)
* * *
Ông Phạm thì Ngố có biết sơ sơ chút đỉnh. Giao tình giữa Ngố và ông nó kỳ lắm, không ra thân cũng không ra sơ. Ngố là fan của ông, điều này có thực, cũng chỉ "nhạc kỳ thanh bất kiến kỳ hình" thôi. Ông là fan của Ngố (ông nói thế) điều này hổng chắc. Tại sao hổng chắc thì thủng thẳng sẽ có lời bàn.
Riêng vụ "nhạc kỳ thanh bất kìến kỳ hình" thì nó thế này : ông Phạm và Ngố đều cầm bút cho một tờ báo (dỏm). Chuyên môn của ông Phạm là nhạc, chuyên môn của Ngố là ... tào lao. Vì là báo dỏm nên ông chủ bút tờ báo cũng dỏm luôn, ông bị người ta lôi ra bắt bù loong bảng hiệu vào trán, hổng chịu cũng phải ráng mà làm. Thế là ông làm chủ bút theo cái kiểu xìu xìu ển ển và đương nhiên tờ báo của ông cũng ển ển xìu xìu theo ông luôn cho đủ bộ ! Ông chủ bút ngó chừng tuổi hạc đã cao nên chỉ thích đánh mạt chược và xướng họa thơ Đường, nghĩa là những thú vui tao nhã. Thỉnh thoảng có vài vị động mối từ tâm, thấy báo ông khô quá (khô hơn báo Y tế nhiều lắm lận !) mới gửi cho một bài nhạc tưới nước giúp vui. Nhưng hỡi ơi, nhạc thì ông điếc đặc, đàn gảy tai trâu (ông bảo thế), nên hễ nhận được nhạc là ông bèn "lặng lẽ" cất vào tủ rồi ... quên luôn cho gọn !
Gặp ông chủ bút như thế nên tuy cùng nằm trong ban biên tập (!) Ngố chỉ biết Phạm phê-bình-gia chứ không hề biết Phạm nhac-sĩ. Mãi cho đến khi ông Phạm đăng quảng cáo cái CD đầu tay Đưa Người Về Phương Đông của mình trong báo, thì Ngố mới biết ông còn viết cả nhạc. Chuyện đăng quảng cáo của ông Phạm nghe đâu cũng có "sự cố" tùm lum. Ông chủ bút xìu xìu ển ển, của tờ báo ển ển xỉu xìu ở trên, là người quang minh chánh đại nên chuyện công và tư phân biệt rõ ràng. Phê bình gia viết bài (thường khi rất dài) phân tách nhạc người khác thì là công nên ... miễn phí, nhạc sĩ đăng quảng cáo nhạc của mình (thường khi vài ba hàng) thì là tư nên ... phải trả tiền theo đúng giá biểu hiện hành !
Ngố đọc quảng cáo CD của ông Phạm, thấy toàn tên ca sĩ xịn mới tò mò, bèn đặt hàng một cái mang về. Má ơi, thiệt tình, nghe xong thì ngẩn ngơ tới ba bốn tháng lận. Đi đâu làm chi cũng cứ văng vẳng mơ màng dòng nhạc của ông ! Mèn, con tằm nhả tơ cho mình may áo, rồi bận áo mà quên tằm (hổng biết thì thôi chứ biết rồi) thì thiệt cũng áy náy ! Ngố mới biên thư cám ơn ông, rồi tiện thể tới luôn, biểu ông cứ gửi CD sang sẽ tình nguyện bán giúp, coi như dâu trả nợ tằm ! Quen là quen như thế và chuyện đó đã lâu lắm rồi. Sau thì Ngố cũng lơi dần với ông rồi ngưng hẳn, chẳng không rồi mang tiếng cứ thấy văn nghệ sĩ là mắt sáng như đèn ô tô, xông vô bắt quàng làm họ !
Nói chuyện văn thơ và nhạc thì thiệt ra cũng khó nói, bị nó là chuyện dễ ... mích lòng. Thông thường cái gì thuộc về mình cũng hết xẩy cả, trừ ... con mụ vợ (vợ mình thôi nhá, vợ hàng xóm thì ... hổng biết !). Có điều làm văn thi sĩ y hình dễ hơn làm nhạc sĩ. Bút ai chẳng có sẵn, cứ việc bơm mực rồi thong thả mà cầm, miễn là cái chuyện cầm bút của ta nó không làm vợ con ta mích lòng rồi sinh càu nhàu cau có. Bởi thế, chưa nghe có ai mất công phải đi học làm thơ viết văn, mà văn thi sĩ thì, má ơi ... cả đống ! Nhưng làm nhạc sĩ ngó bộ không thể như thế được, khó lắm ! Tây thì nó phân chia rõ ràng, musicien là ông chơi nhạc, compositeur là ông sáng tác nhạc. Việt nam mình dễ tính thế nên xập xí xập ngầu, nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ mà phân chia cho nó lôi thôi ra ! Viết nhạc là nhạc sĩ mà uýnh đờn cũng là nhạc sĩ luôn cho gọn.
Ông Phạm là nhạc sĩ sáng tác. Ông có ịn cái hình của mình trong tập nhạc Tình ca Phạm Anh Dũng cho fan của ông (trong đó có Ngố) dòm chơi. Ngắm ông thấy hiền lành phúc hậu, ông lại có cái trán của những người thông minh nên thành hơi ... thiếu tóc. Tóc tai kiểu đó chắc ông chẳng còn trẻ gì. Ông hát cũng hay lắm, giọng ông ấm nhưng có hơi cứng và bù lại rất ... đàn ông (ai không hiểu thế nào là giọng đàn ông đàn bà, cứ tìm nghe Chế Linh và Tuấn Vũ khắc biết !) Ông Phạm sở trường về chuyện phổ nhạc vào thơ.
A, lại nói qua chuyện nhạc và thơ. Hồi ở VN, cứ nghe nói thơ phổ (vào) nhạc. Sang tới đây thì ông Phạm, trong các bài viết, lại nói ngược là nhạc phổ (vào) thơ. Thoạt nghe thấy lạ tai, tưởng ông ấm ớ, chưa già mà đã lẫn. Sau thì không phải như thế. Hình như có khác và khác có hơi xa !
Trước hết tiếng Việt là tiếng độc âm và có rất nhiều dấu, nói trật dấu là trật luôn cả nghĩa, lắm khi khủng khiếp luôn ! Một ông đi tiệm cắt tóc, gặp bà chủ tiệm người Huế. Bà hỏi ông "Cặc ngẳn hay cặc dài ?" Ông thiệt thà đem chuyện lên báo mà kể. Hậu quả là ông chủ bút tờ báo xém nữa bị sứt trán u đầu (thì cũng cái ông chủ bút đó chứ còn ai vào đây nữa !) Tiếng Việt muốn nói đúng nghĩa thì phải nói đúng tông, phải lên bổng xuống trầm không dứt. Tây nó biểu người mình nói chuyện ríu rít như chim.
Phổ thơ (vào) nhạc thì nhạc là chính, rồi đưa bài thơ vô làm lời. Thơ phải đi theo nhạc, nghĩa là ông nhạc sĩ có thể sửa đổi thơ cho hạp với nốt, để dễ hát và hát nghe cho chỉnh. Thí dụ ba nốt cùng tông thường thì phải có lời cùng thanh (cùng bằng hay cùng trắc), nếu có xê xích thì cũng chút đỉnh thôi, còn bằng như cách xa quá thì phải cho nhạc ... trườn đi, nghĩa là thêm vô những nốt phụ - gọi là nốt láy - để ca sĩ uốn éo quanh đó mà hát lên cho êm ái. Anh yêu em mà nhạc lộn xộn, khi hát đúng nốt sẽ thành Ánh yêu èm, trong trường hợp này lại phải sửa thành Cứ yêu thầm hay Cứ yêu nàng, chẳng hạn vậy. Chứ còn giữ nguyên lời Ánh yêu èm như thế là hỏng bét, tội cho ca sĩ mà tội luôn cho cả lỗ tai người thưởng ngoạn.
Thông thường thì nhạc sĩ cố gắng giữ nguyên bài thơ, càng original càng tốt, nhưng nếu cần ông cũng cứa chặt thêm bớt tùm lum cho ổn thỏa phần nhạc của ông. Thế rồi bài thơ sau khi có nhạc nó bỗng ... biến thể. Hay thêm hoặc dở đi là tùy. Nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc bài thơ Thà Như Giọt Mưa của Nguyễn Tất Nhiên, ông đã thay đổi rất nhiều chữ, thậm chí, nếu tôi không lầm, y hình ông còn viết thêm cả một phần để làm đoạn kết mà nguyên tác không có (khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên ...) Ông cũng làm tương tự như thế, tuy rằng ít hơn, với Màu Tím Hoa Sim của Hữu-Loan. Và còn rất nhiều bài thơ khác nữa.
Vì Phạm Duy là phù thủy của âm nhạc, thế nên bài thơ nào diễm phúc lọt vào tay ông, chỉ cần ông hà hơi là nó thành nổi tiếng, và nổi ... cái rột. Không phải ai cũng may mắn được thế, nghĩa là thinh không có trận thu phong thổi thơ-vàng thơ-hồng thơ-xanh của mình bay thẳng vô sân nhà ... chàng. Nên rồi yêu em ta cứ làm thơ mà chờ hoài thì ta cứ ... hổng chịu nổi tiếng ! Nếu nhạc sĩ "vầy vò" nàng thơ quá kỹ, dám bài thơ sẽ ... tiêu luôn, khi hát lên thì thiệt tình không ngờ nó là thơ phổ nhạc (!!) Thi sĩ dỏm như Ngố sẽ không thấy phiền hà chi, cứ có tên đứng chồm hổm trong bài nhạc là "đắc chí tiểu nhân" lắm rồi, nhưng thi sĩ có tài như ông Du tử Lê chẳng hạn, thì chắc chắn sẽ hổng mấy chi vui !
Vậy rồi phổ nhạc (vào) thơ là cái gì ? Nghĩa là viết nhạc cho thơ. Ở đây thơ là chính nên nhạc phải thay đổi theo thơ. Vì thế bài nhạc đã không còn đi theo trình tự thông thường nữa, đoạn trước và đoạn sau có thể khác nhau vài nốt, thậm chí dám chúng còn khác hẳn nhau, tới nỗi chính chúng cũng không nhận ra nhau nếu được hát lên riêng rẽ.
Và như thế thì .... Về thơ : thi sĩ có nhạc phổ vào thơ mình ắt phải sướng hơn là thi sĩ có thơ phổ vào nhạc người . Về nhạc : nhạc sĩ phổ thơ vào nhạc mình sẽ sướng hơn nhạc sĩ phổ nhạc vào thơ người. Lộn xộn khó hiểu ha ? Giản dị thì như vầy : Thơ viết làm sao hát lên làm vậy thì thi sĩ sướng và nhạc sĩ ... cực. Thơ bị vặn cho méo mó đi để chạy vào nhạc thì thi sĩ sẽ buồn và nhạc sĩ lại ... khoẻ re !
Còn dấu thì sao ? Ấy, cái dấu hỏi dấu ngã dấu nặng trong thơ nó chỉ là vần trắc, sang tới nhạc thì lắm khi nó gây phiền hà ... chết mẹ ! Thông thường nó dễ dàng được viết để hát thành dấu huyền hay dấu sắc cho gọn. Tùy trường hợp, nếu đừng kỳ cục quá, người nghe thường giả bộ làm lơ, không thắc mắc. "Em hỏi anh cười" hát thành "Em hòi anh cươi" thì chắc cũng không sao, nhưng nếu viết lạng quạng sao đó mà hát thành "Em hối anh cưới" thì tội cho anh cho em mà cha mẹ chắc cũng buồn lây !
* * *
Chuyện thơ văn là chuyện cảm tính, nghĩa là ... xấu đẹp tùy người đối diện. Nhưng tới nhạc thì chuyện xấu đẹp nó không còn chỉ thuần ở người đối diện nữa, nó còn tùy thuộc vào hòa âm ca sĩ và âm thanh. Hòa âm tới, ca sĩ hay và âm thanh tốt đã là những yếu tố góp phần vào sự thành công của một đĩa nhạc. Chuyện ca sĩ chuyện âm thanh khỏi cần nói thêm, nhưng hòa âm mà không cho nói thêm thì bụng Ngố sẽ ấm ách ghê lắm !
Nhạc Trịnh công Sơn phải do Khánh Ly hát thì mới phê. Kỹ thuật thâu bây giờ lại quá tối tân so với 30 năm trước. Nhưng nghe Khánh Ly bây giờ và Khánh Ly những năm 70 thì thiệt là có khác. Giọng hát ấy còn nguyên, bài nhạc ấy còn nguyên, nhưng ... Ngố thấy nó cứ thiếu thiếu một cái gì. Ngẫm nghĩ mãi mới biết cái thiếu ấy chính là giàn nhạc The Blue Notes. Hòa âm nhạc TCS của The Blue Notes là hoà âm hay nhất từ trước tới nay, không rõ ban nhạc này gồm những ai, và hiện tại họ ở đâu. Ai có biết chi về họ, xin làm ơn ới dùm Ngố một tiếng
Người Việt tha hương về vật chất sau khi đã an cư và lạc nghiệp thì nảy sanh những nhu cầu về tinh thần, một trong những nhu cầu này là nhạc. Có cầu nên phải có cung, và cung phát triển coi bộ có dễ dãi chút đỉnh nên rồi thành hơi ... vô trật tự !
Trong tình trạng hầu như lạm phát về số lượng và thiếu sút về phẩm chất ấy - nói chung cho cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ - không dưng một ngày đẹp trời, thính giả đã ngẩn ngơ với dòng nhạc Phạm Anh Dũng. Đưa Người Về Phương Đông, Tình Khúc Hồi Hương, Tình Bỗng Khói Sương là những CD đã cũ, Quên là CD mới nhất gần đây. Nhạc của ông Phạm hầu như chỉ là nhạc phổ vào thơ. Phổ nhạc vào thơ là nghề của chàng, dù là nghề tay trái.
Thường thì tựa của CD được chọn theo tên bài hát mà nhạc sĩ (hay ca sĩ) thích nhất. Và bài hát ấy có thể nằm giữa hay nằm cuối đĩa, nhưng ít khi (dám không bao) giờ nằm ngay ở đầu. - Thì cũng giống như mở rượu vang đãi khách vậy mà, chẳng ai dại dột cho uống Yquem trước Alsace cả - Người gọn lẹ, cứ việc nghe liền bài nhạc đề, nghe mà không thích nghĩa là ... tiêu ! Nói thế thôi chứ còn thính giả bình thường họ lề mề, họ cà kê, chẳng ai nghe nhạc mà lại hấp ha hấp hối cả. Vậy thì CD Quên có bài Quên là bài ruột của ông Phạm. Vì CD Quên nghe nói đã bán gần hết rồi, nên Ngố có mạnh miệng ăn nói thì cũng không sợ bị hồ nghi là đang hành nghề ... quảng cáo.
Trong bốn CD của ông Phạm CD đầu Đưa Người về Phương Đông do Duy Cường hòa âm, ba CD còn lại do Quốc Dũng phụ trách. Duy Cường thì khỏi nói, chỗ nào có nhạc là có Duy Cường. Tên ông đã như một bùa hộ mệnh để người làm CD (nhạc sĩ hay ca sĩ) cứ thế mà yên chí lớn. Sự việc ông đắt hàng phải kể như là ông có tài, nhưng hòa âm của ông thì hay dở tùy bài. Ý riêng Ngố thì ông hòa âm ‘tây’ quá, và thường khi nó là sự lập lại, từ bài này sang bài khác. Nghe Duy Cường hòa âm mãi rồi thì ... ngay từ phần nhạc mở đầu, thính giả Ngô-Sắc đã nhận ngay ra style của Duy Cường. Như thế riết rồi thì mọi việc bỗng đâm nhàm và ... ớn !
Quốc Dũng thì hồi nhỏ trong TV, thấy đặt nhạc trẻ rồi ôm đờn "uýnh lia chia" cho một mợ ca sĩ mầm non nào đó hát. Nhạc ông khi ấy dở òm, mà người hát chỉ được cái xinh xắn dễ thương thôi, còn giọng thì yếu xìu muốn kêu lính bắt. Thời gian vùn vụt trôi, mợ ca sĩ đã thành bà già, còn nhạc sĩ sáng tác Quốc-Dũng lại thành nhạc sĩ hoà âm, và má ơi, ông hòa rất ... tới !
Trong CD Quên nổi bật nhất là giọng hát rất đặc biệt của Bảo Yến. Giọng Bảo Yến là giọng thổ chính hiệu, âm sắc đục nhưng âm vực rộng. Giọng hát rất khỏe với kỹ thuật cao, lên bổng xuống trầm ào ào không suy suyển. Cô ngân nga, phát âm, lấy hơi nghe dễ ợt, ung dung như người hà tiện thò tay ... cất tiền vô túi ! Đặc biệt là Bảo Yến hát đúng nốt, lúc cô trườn giọng để hát những nốt láy thì, má ơi, hết xẩy, phê dữ lắm . Mà viết nốt láy lại là ... nghề của chàng !!!
Quên là một bài thơ lục bát kể chuyện tình của thi sĩ Vương Ngọc Long. Cụ Phan Khôi khi tình còn trẻ đã không nên cơm nên cháo gì, gặp lại cố nhân cụ mới rút bút (đã hết mực) viết ra bài Tình Già. Tình già là tình ... hết mực nên xìu xìu ển ển, bởi vậy mới có chuyện ... liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi. Tình của Vương thi sĩ thì cũng y chang, cũng chẳng ra ngô ra khoai gì. Đến khi xồn xồn tình cờ gặp lại người xưa bèn có màn mơ màng lãng xẹt :
Nếu mà hôm ấy chẳng quên
Biết đâu hai kẻ nên duyên vợ chồng (!!)
(Ai có gặp ông Vương, xin cho Ngố nhắn một lời : Ông Vương ơi, thế vợ con ông đâu mà ông ăn nói trơn tru ngon lành dữ dzậy ??)
Bài thơ Quên đã được ông Phạm phổ nhạc theo điệu dân ca miền Bắc (và đặc biệt là) với rất nhiều nốt láy. Bảo Yến trình bày bài này tuyệt quá, cô đã hát và ngân nga như một Cô-Đầu chính hiệu, hết chỗ chê. (cái này bố Ngố nói đấy nhá) Phần hòa âm của ông Quốc-Dũng thì hết xẩy !! Phê quá và mê quá !!
Nốt láy là nghề của chàng. Chuyển đoạn, đổi ton cũng là nghề của chàng luôn. Nên thành nó ngọt lịm, nó mùì mẫn y chang kép cải lương xuống sáu câu rồi đèn phựt đỏ. Thính giả ngẩn ngơ, hết ý ! Ai không tin cứ nghe bài "Mùa xuân nào có nhau" khắc biết :
... Cành mai vàng hé nụ
Lộc xanh biếc ban đầu
Niềm tin yêu vụt sáng
Mùa xuân này có nhau ?
Ông Phạm chuyển ton cho đoạn này để kết thúc bài hát. Rất bất ngờ, rất lạ và rất hay. Wow, Ngố chịu ông quá !
Ông Phạm ơi, Ngố xin có một ý kiến cho ông, nghe thì tốt mà không nghe cũng tốt luôn : Cho tới nay, những ca sĩ (gọi là trẻ sau này) hát nhạc ông, có lẽ chưa ai qua mặt được Bảo Yến đâu. Phạm Duy có Thái Thanh, Trịnh Công Sơn có Khánh Ly, Từ công Phụng có Tuấn Ngọc v.v.. ông có Bảo Yến. Ông làm sao đó thì làm !
Ông nói với Ngố ông là fan các bài viết (vớ vẩn) của Ngố. Thoạt đầu Ngố có cảm động tí đỉnh. Sau ngẫm nghĩ lại biết ông nói xạo (!!) Với nhịp sáng tác như hiện tại của ông, chuyện ông mở sách báo ra đọc (tờ báo dỏm chuyên đăng bài văn sĩ dỏm), ngó bộ là chuyện ... hoang đường ! Có tài thường có tật. Tật của ông là tật nói dối thiếu môn bài (!) Ngố không giận ông đâu nên dù CD ông đã gần hết cũng cứ quảng cáo dùm ông lấy điểm :
Xin ân cần giới thiệu CD Quên của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, gồm 12 bài nhạc phổ từ thơ Vương Ngọc Long, do Quốc Dũng hoà âm. Nghe Quên rồi thì bảo đảm bạn sẽ không quên mà nhớ còn lâu lắm, nhớ mãi nhớ hoài lận. Và tương lai hên ra gặp lại cố nhân rồi dám cũng mơ màng lãng xẹt kiểu ông Vương hổng chừng cho đời bớt ... bi đát !
Ai có gặp ông Phạm ở đâu, xin nhắc ông đừng quên đọc bài viết này. Ngố không liên lạc trực tiếp được với ông cũng chỉ vì vị chủ bút tờ báo nhất định lẩm cẩm đòi đứng trung gian, mà báo bốn tháng mới ra một kỳ, ngó bộ nhắn được ông thì đã mất thời gian tính. Và xin tặng riêng ông hai câu thơ :
Nếu mà ông sẽ chẳng quên
Biết đâu Ngố lại có thêm cái xi-đì (CD)
2003/03/28