Bản dịch của các thi hữu
Nhạc: Mai Ðức Vinh
Tình Ca Mai Ðức Vinh
Phổ Thơ Vương Ngọc Long
Nhạc Nguyễn Đăng Tuấn
Thơ Vương Ngọc Long
Nhạc: MaiĐứcVinh, HuỳnhCôngTrứ, LêMạnhTrùy, MinhThao, PhạmAnhDũng, NguyễnTuấn.
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Nhạc Mai Đức Vinh
Ca sĩ Bảo Yến trình bày

Thơ Nguyễn Trãi

 

Tiểu sử tác giả

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (tức phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông). Năm 21 tuổi đỗ Thái học sinh (tiến sỹ) niên hiệu Thánh nguyên thứ 1 triều vua Hồ Quí Ly (1400). Làm quan đến chức Ngự sử đài chánh chưởng. Thân phụ là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Bảng nhãn niên hiệu Long Khánh thứ 2 triều vua Trần Duệ tông (1374), vì cớ là hàn tộc mà lấy con gái Trần Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, theo phép nhà Trần không được bổ dụng.

Mãi đến triều nhà Hồ mới được dùng làm Trung thư thị lang. Khi quân Minh sang xâm lấn, hai cha con vua nhà Hồ bị bắt. Phi Khanh cũng bị giải về Tàu. Nguyễn Trãi khóc theo đến Nam quan. Phi Khanh ngoảnh lại bảo rằng: "Con về rửa hờn cho nước, báo thù cho cha, mới là người đại trung đại hiếu, không nên theo nhi nữ thường tình!" Nguyễn Trãi trở về đi theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Trong 10 năm kháng chiến với quân Minh, giúp vua Lê bằng mưu kế: phàm các văn thư từ trát giao thiệp với tướng nhà Minh, đều do một tay ông thảo thiện. Sau khi đã đánh đuổi ngoại xâm về Tàu, Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, liệt vào hạng khai quốc công thần đệ nhất. Triều vua Lê Thái Tông được làm Nhập nội hành khiển (tức Tể tướng). Năm 60 tuổi, về trí sĩ tại Côn Sơn (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ba năm sau, vì án Nguyễn Thị Lộ, bị tru di tam tộc.

Sử chép: Niên hiệu đại bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông (1442), nhà vua đi tuần phương đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi đón xa giá đến chơi chùa Côn Sơn. Thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, có tài sắc, được nhà vua vời. Khi xa giá đến vườn Lệ Chi (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nhà vua bị bệnh sốt, Thị Lộ vào chầu suốt đêm rồi vua mất, ai nấy đều nói Thị Lộ thí nghịch, nên Nguyễn Trãi phải tội tru di. Năm ấy, Nguyễn Trãi 63 tuổi, có người thiếp đương có thai trốn được, sau sinh ra Nguyễn Ánh Vũ. Đời Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi được minh oan, truy tặng Tế văn hầu. Anh Vũ được bổ chức Tri châu.

(nguồn: www.luongsonbac.com)

 




Thu Dạ Khách Cảm - Kỳ I

Lữ xá tiêu diêu tịch tác môn
Vi ngâm tụ thủ quá hoàng hôn
Thu phong lạc diệp ky tình tứ
Dạ vũ thanh đăng khách mộng hồn
Loạn hậu phùng nhân phi túc tích
Sầu trung tống mục ngụ càn khôn
Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn
(1)
Hưu luận Phàm vong dữ Sở tồn (2)

Nguyễn Trãi


 (1) Bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai Thi Tập) phiên là hư ảo.
(2) Phàm vong, Sở tồn: Phàm và Sở là hai nước thuộc Trung Quốc
vào thời Xuân Thu, nước Phàm nhỏ, nước Sở lớn. Sách Trung Tử đề cập
về việc nước Phàm không vì nhỏ mà có thể mất (vong) hẳn, nước Sở
không hẳn nhờ lớn mà còn (tồn) mãi.


Khách Cảm Đêm Thu (I)

Quán buồn cửa liếp đìu hiu
Áo luồn tay, ngắm cảnh chiều ngâm nga
Gió thu tình, lá bay xa
Mưa ru khách mộng ánh nhòa đèn đêm
Loạn qua chẳng thấy người quen
Cảnh sầu xin gửi hồn lên cõi trời
Phù du muôn sự trên đời
Chuyện xưa Phàm Sở đành thôi luận bàn

Hải Đà phỏng dịch





Thu Dạ Khách Cảm - Kỳ II


Tây phong hám thụ hưởng tranh tranh (1)
Diêu lạc thanh bi cửu khách tình
Hoàng diệp mãn đình thu quá bán
Thanh đăng hòa vũ dạ tam canh
Bệnh đa cốt sấu miên ưng thiểu
Quan lãnh thân nhàn mộng diệc thanh
Nhất niệm tức lai thiên niệm tức
Kê trùng tự thử liễu tương tranh (2)


Nguyễn Trãi

 (1) Ức Trai Thi Tập (theo Dương Bá Cung) ghi là đề tranh,
(2) Kê trùng: gà và bọ. Do tích "Kê trùng đắc thất" trong bài
Hành Phược kê của Đỗ Phủ, với câu "Kê trùng đắc thất vô liễu thời"
Ý nói gà ăn bọ, người lại ăn gà, chẳng bao giờ hết vòng lẩn quẩn.


Khách Cảm Đêm Thu (II)

Gió lay cây lá xạc xào
Tiếng buồn làm khách nghẹn ngào phương xa
Lá đầy sân, nửa thu qua
Đèn xanh với tiếng mưa hòa ba canh
Bệnh nhiều giấc ngủ không đành
Việc quan thư thái mộng lành chơi vơi
Lo âu nghìn mối quên thôi
Tích xưa gà bọ cũng rồi qua đi
 

Hải Đà phỏng dịch




Thu Nhật Ngẫu Thành


Tiêu tiêu trụy diệp hưởng đình cao
Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào
Thiên địa tư văn tùng cổ trọng
(1)
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao
Kính trung bạch phát giai nhân lão
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao
Miến tưởng cố viên tam kính cúc (2)
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.


Nguyễn Trãi

 (1) Tư văn: nền văn ấy. Văn tức là lễ nhạc, chế độ do đạo Khổng
đặt ra cho việc cai trị (văn trị).
(2) Tam kính cúc: tác giả lấy từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm
(đời Đông Tấn, Trung Quốc) trong đó có câu:
Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn
(Ba lối cũ tuy bỏ hoang nhưng tùng cúc hãy còn).
để nói về sự ẩn dật của các quan xưa.


Cảm Hứng Ngày Thu

Tiêu điều lá rụng đầy sân
Bệnh vừa qua khỏi tâm thần an nhiên
Tôn vinh sách vở thánh hiền
Nước non thu cảm triền miên dâng đầy
Soi gương tóc bạc mà hay
Phù du muôn sự chỉ bày khổ thêm
Vườn xưa cúc nở nhớ thầm
Thuyền đưa hồn mộng đêm đêm giục về

Hải Đà phỏng dịch





Thu Nguyệt Ngẫu Thành

U trai thụy khởi độc trầm ngâm
Án thượng hương tiêu tịnh khách tâm
Tĩnh lý càn khôn kinh vạn biến
Nhàn trung nhật nguyệt trị thiên câm
Nho phong lãnh đạm thì tình bạc
Thánh vực ưu du đạo vị thâm
Độc bãi quần thư vô cá sự
Lão mai song bạn lý dao cầm.

Nguyễn Trãi


Cảm Hứng Đêm Thu

Phòng im thức giấc lặng câm
Lòng người rũ sạch theo trầm khói huơng
Sợ đời biến cố khôn lường
Cảnh nhàn đáng giá nghìn vàng ai ơi
Nho phong xem nhẹ thói đời
Đạo căn giữ vững rong chơi cõi thiền
Đọc xong sách chẳng ưu phiền
Nhìn mai bên cửa an nhiên dạo đàn

Hải Đà phỏng dịch





Thôn Xá Thu Châm

Mãn giang hà xứ hướng đông đinh, 
Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình. 
Nhất chủng Tiêu quan chinh phụ oán
(1)
Tổng tương li hận nhập thu thanh.

Nguyễn Trãi

(1) Tiêu quan: tên một cửa ải xa xôi hiểm trở tại Quan Trung 
phía bắc Trung Quốc. Các đời Đường, Tống xây đồn lũy ở đây để 
chống rợ Thổ Phồn. Cũng trong văn cảnh này, Chinh Phụ Ngâm Khúc,
 thơ Hán văn thể cổ Nhạc phủ của Đặng Trần Côn (đời Lê, đầu thế kỷ 18) 
có hai câu sau đây:
Liên tưởng lương nhân kinh lược xứ
Tiêu quan giốc, hãn hải ngung
(Tưởng chàng giong ruổi mấy niên
Chẳng nơi hãn hải cũng miền Tiêu quan). 


Tiếng Chày Thu Đêm Quê

Tiếng chày văng vẳng đầy sông
Khách ly hương phải động lòng trăng thâu
Tiêu quan chinh phụ niềm đau
Lời ai oán nhập chung sầu tiếng thu

Hải Đà phỏng dịch

 

Bạch Cư Dị
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Hoa Khổ Đau
Hải Đà biên soạn và tuyển dịch
Nhạc: MaiĐứcVinh,HuỳnhCôngTrứ, LêMạnhTrùy,MinhThao, PhạmAnhDũng,NguyễnTuấn.
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Phượng Nở Trong Thi Ca
Hải Đà - Vương Ngọc Long
Xuân Về Nhớ Lại Cảnh Tình Xưa
Nhạc: Võ Tá Hân
Thơ Vương Ngọc Long
DVD KARAOKE
1.jpgHNV.jpgdhdk2.jpghdnn.jpg