Bản dịch của các thi hữu
Nhạc: Mai Ðức Vinh
Tình Ca Mai Ðức Vinh
Phổ Thơ Vương Ngọc Long
Nhạc Nguyễn Đăng Tuấn
Thơ Vương Ngọc Long
Nhạc: MaiĐứcVinh, HuỳnhCôngTrứ, LêMạnhTrùy, MinhThao, PhạmAnhDũng, NguyễnTuấn.
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Nhạc Mai Đức Vinh
Ca sĩ Bảo Yến trình bày

Tiếng Đàn Trên Sông 
Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị

Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị (Phần 3)

heart stringA

 

Tranh: Thu Huệ 


Tiếng đàn Tỳ Bà đã tạo nên những âm thanh huyền diệu, ăm ắp nhạc tính, tràn trề nhịp điệu trong một một số thi ca Việt Nam . Bài Tỳ Bà của Bích Khê, lời thơ dạt dào chất nhạc, thơ là nhạc, nhạc là thơ. Bài thơ đầy thanh bằng đã tạo nên những nhịp rung êm ái nhẹ nhàng du dương làm chùng lòng người nghe . Hàn Mạc Tử đã nhận định về thơ Bích Khê : “ Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu …” . Cái huyền diệu đó đã làm tuôn trào những cảm xúc lãng mạn xao xuyến, đã mỹ hóa những ngôn từ tha thiết , chất ngất thanh âm quyến rũ, chất thơ ướt đẫm nhạc qua những tiếng tỳ bà rung nhẹ đã “gây đê mê” , làm người “chơi vơi” , cho tình “du dương” , cho hồn “phiêu diêu”, giữa một khung trời “thu mênh mông” chất ngất, mơ hồ và huyền ảo và lúc đó không còn phân biệt hư thực, mà chỉ còn biết : “ Cây đàn yêu đương làm bằng thơ , Cây đàn yêu đương run trong mơ …” và tiếng đàn du dương theo bàn tay êm ái của màn đêm đang giăng mềm trên muôn phím tơ vàng …
 
Tỳ Bà  (Bích Khê )
 

Nàng ơi ! Tay đêm đang giăng mềm

Trăng đan qua cành muôn tay êm

Mây nhung pha màu thu trên trời

Sương lam phơi màu thu muôn nơi

 

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi ! Nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

 

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

Cây đàn yêu đương run trong mơ

Hồn về trên môi kêu: em ơi

Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

 

Tôi qua tìm nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

 

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

 

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu

Sao tôi không màng kêu: em yêu

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu

 

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi ! vàng rơi: Thu mênh mông 

Bích Khê  
  

Trong bài thơ thi vị chan chứa nhạc điệu một cách đặc biệt mà người đọc khi đọc lên có cảm giác lành lạnh xen lấn vào tận xương tủy, phải nói đến bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu . Bài thơ đã tạo nên những làn sóng âm thanh rung động muôn chiều, những tiết tấu nghệ thuật mỹ cảm đa dạng, đã truyền đạt quyến rũ dẫn dắt người nghe lâng lâng đi vào quỹ đạo vô hình , xa vời hiện thực, ở đó lấp lánh lung linh sáng chói những vì sao siêu linh biểu tượng hồn nhạc trầm buồn man mác trong những vần thơ hoài cảm xao xuyến , thấm thía khi lặng yên “Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê “

  

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân …

 

Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình,

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh

 

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi !

Long lanh tiếng hận vang vang hận:

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người .

 

Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê

Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.  

(Xuân Diệu 1944 – Nguyệt Cầm )
  

Mường tượng đến tiếng đàn xưa, nghĩ đến cái tâm tình hoàn cảnh éo le của người kỳ nữ trên bến nước Tầm Dương đã tạo nên mối cảm hoài bâng khuâng, cho người thơ liên tưởng đến cái buồn ray rức tiếc nuối , một cái buồn rười rượi, một cảm giác khắc khoải nao lòng, để người thơ phải trở gối thao thức suốt đêm trường lúc nào không hay :
 

Nghe Hát (Vũ Hoàng Chương

 

Phách ngọt, đàn say, nệm khói êm

Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm

”Canh khuya đưa khách …” . Lời reo ngọc .

Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm

Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi ,

Sen vàng như động phía châu liêm

Nao nao khói biếc hài thương nữ ;

Trở gối, hoa lê rụng trắng thềm .

Vũ Hoàng Chương (Thơ Say)
 
Âm nhạc và nhịp điệu man mác tình tứ, chan chứa những giọng điệu buồn bã thương cảm và lưu luyến của người kỹ nữ trên bến sông Tầm Giang . Giọng điệu thơ chan hòa màu sắc tha thiết, mong mỏi tìm sự chia sẻ, cảm thông một nỗi buồn sâu thẳm từ một khung trời dĩ vãng xa xăm nào đó, khi nỗi nhớ gọi về …

Nguyệt chẳng phải tỳ không càng không cầm với sắt

 

Đầy nhớ thương tha thiết gọi ta về

(Tối Tân Hôn – Vũ Hoàng Chương)

 
Tiếng đàn trên sông trong đêm khuya khoắt, ôi não nùng làm sao … nỉ non, đê mê, nức nở.. Đó là “tiếng ngậm-ngùi muôn thủa của thời-gian”, âm vang còn rơi rớt đọng lại như nhắc nhở “Thiên tình sử não nùng xưa” . Người thơ đã có những cảm giác vướng víu, phân vân, trống trải, cô đơn, lạnh lẽo trong hoài niệm bâng khuâng về một thoáng tình đã trôi qua, sự đợi chờ mòn mỏi vô định … Phải chăng nhà thơ có con tim cùng chung nhịp điệu với người kỹ nữ trên bến Tầm Dương ….

 

Đàn Nguyệt (Thế Lữ )

(Trên sông Hương một đêm trăng)

Lòng ta hỡi! Thôi đừng lên tiếng nữa!

Lặng mà nghe đờn nẩy khúc sầu thương.

Ngón tay rung, rung động cả đêm sương.

Khiến trăng nước đắm mơ hồ ly-biệt,

Khiến trong gió ngưng đọng niềm thống-thiết

Của bao nhiêu người đẹp khát tình duyên

Ôm nhớ nhung còn nức nở bên đèn.

 

Đêm khuya vắng thêm gợi thời xa vắng,

Tiếng bi-ai như vẽ hình cay đắng

Của chia-phôi, cùng thương tiếc đợi chờ

Trong bao thiên tình sử não nùng xưa.

 

Thấy chăng ai? trên sông khuya im sóng

Bâng-khuâng trôi một con thuyền mơ mộng,

Thuyền lênh đênh gieo giữa cõi sương tan

Tiếng ngậm-ngùi muôn thủa của thời-gian.

Biết chăng ai? bao nhiêu điều cực-khổ

Với bao nỗi hờn oan trong vũ-trụ

Cùng hẹn-hò thu lại một đêm nay,

Đương nỉ non thánh thót ở trên giây,

Theo ngón đê-mê của bàn tay nghệ-sĩ.

 

Thuốc độc êm đềm, ôi! giọng đàn kiều-mị,

Bởi vì đâu gieo xuống mãi lòng ta

Những giọt nồng tê-tái vị say xưa?

 

 

Hàn Mạc Tử cũng đã có lần đi thuyền trên sông trăng , và cũng đã được nghe một tiếng đàn ai oán của một người ca nữ nào đó và cũng có lẽ cũng đã thăm hỏi … Câu hỏi sững sờ của Hàn Mạc Tử cũng là câu trả lời đơn giản nói lên cái tâm trạng chua xót của người mang kiếp cầm ca trên bến sông .. trong cơn mê hay tỉnh, nào ai hay biết, chỉ biết trầm mình vào những phím đàn nỉ non tê tái cho thân phận mình , để tìm quên , mê mệt trong “Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh ..”

 
Đàn Nguyệt (Hàn Mặc Tử )
   

Hỏi chơ mấy tuổi? Đáp mười lăm

Non nước từng phen nổi tiếng tăm

Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp

Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm

Chường mình trước án trông đầy đặn

Nép mặt trông hoa nói thỉ thầm

Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh

Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm.

 

  Chàng Tư Mã Giang Châu đã gặp người kỹ nữ như là tri âm tri kỷ, như Tử Kỳ-Bá Nha “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vẫn mãi là giai thoại đẹp muôn đời . ”Một đêm đàn lạnh trên sông Huế . Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh” .. một vạt áo xanh đã đẫm ướt không phải vì sương lạnh hay những giọt mưa đêm lất phất, mà chính là những giọt lệ sầu tê tái muôn thuở .. Hình ảnh của người kỹ nữ trên sông có thể chỉ là một ẩn dụ, mà cây đàn là biểu tượng để nói lên tiếng lòng của người thơ .. “Này em hát khúc tương tư nhé “ …”Sao đàn u hoài gì mùa thu ? “ Người thơ đã sống thực của đời thường hay đã đắm chìm trong cõi mộng ảo lúc nào chẳng hay, để mà âm thầm luyến tiếc những giây phút thơ mộng một thời yêu dấu đã đi vào dĩ vãng ..

Văn Cao là một nhạc sĩ thì khỏi phải nói những ý nghĩ và tứ thơ của ông phong phú, tràn trề nhạc tính, và man mác không gian Đường Thi …“Tà tà trăng lặn hiu hiu gió …Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi …Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương “ … làm người đọc liên tưởng đến một bến sông thu ở Phong Kiều Dạ Bạc “ Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ, Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ …” mà thay vì tiếng chuông làm sững sờ khách thơ, mà lại là tiếng đàn lạnh trên sông Huế làm ngơ ngẩn thuyền khách … quyến luyến một chút gì hoa lệ vàng son đã khuất xa … chỉ còn là bóng sao mờ dần.. “Em cạn lời thôi anh dứt nhạc …Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh …” . Con thuyền ấy đã đưa khách về đâu ? đã chở tiếng đàn ấy về đâu ? phải chăng về một khung trời vạn cổ xa xăm nào đó …

 


Một Đêm Đàn Lạnh Trên Sông Huế (Văn Cao )

 

Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời

 

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Tri âm nghe thử dây đồng vọng

Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru

 

Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha

Em nghe anh dạo khúc thu xa

Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ

Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà

 

Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi

Từng canh trời điểm một sao rơi

Tà tà trăng lặn hiu hiu gió

Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi

 

Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương

Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương

Dòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác

Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương

 

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc

Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh  
Văn Cao

 


Cái tâm trạng của người kỹ nữ với chiếc đàn tỳ bà trên bến nước Tầm Dương có lẽ cũng ngậm ngùi đau đớn, chua xót không kém gì cô gái mang kiếp cầm ca trong bài thơ “Lời Kỹ Nữ “ của Xuân Diệu . Cái nội tâm dày vò, dằn vặt, thương xót và tủi nghẹn cho cái thân phận không may mắn trong cuộc đời thật là lớn lao .. ”Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn (XD) . Cái tuyệt vọng của cô đơn, cái nỗi chán chường xót xa, càng thấm thía buốt nhói như “Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da” (XD) … Và khi lời ca, âm nhạc, tiếng đàn chấm dứt , khi những hình ảnh chập chờn xa dần của “ Trăng từ viễn xứ .. đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn “ .. cũng là lúc mắt lệ rưng rưng , lòng buồn vời vợi, nỗi cô đơn trống vắng, tê điếng rụng rời, chan hòa với cái lạnh giá lan tỏa của vầng trăng mộng mị, trên sóng nước chập chùng trôi xa về một bến bờ triền miên vô định :

 

"Xao xác tiếng gà . Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi – Du khách đã đi rồi … “

Lời Kỹ Nữ (Xuân Diệu)


Thử xem Bạch Cư Dị đã diễn tả tiếng đàn như thế nào? một cách say sưa, có ma lực ám ảnh trí tưởng tượng và chiếm lĩnh trái tim của người đọc dù chưa nghe qua tiếng đàn . Tiếng đàn đã thay đổi theo từng biến chuyển từng giây từng phút, lúc thì như tiếng mưa tỉ tê thánh thót làm lòng người muốn tê tái ủ rũ, lúc thì ào ào như suối đổ, chung hưởng cái ngây ngất mừng reo vui sướng, lúc não nùng réo rắt như vỡ tuôn dòng nước, lúc thì ân hận buồn bực vỡ oà lên khi tiếng tơ lạnh ngắt, và đủ âm thanh cung bực đẫn dắt người nghe giao động bồi hồi hoang mang lạc lẫm từ cảm giác nầy qua cảm giác khác khó lòng mà gỡ rối tìm đường ra … 

“Dây to nhường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng

Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy

Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu

Trong hoa oanh ríu rít nhau

Nước tuôn róc rách, chảy mau xuống ghềnh

Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt

Ngừng đứt nên phút bật tiếng tơ

Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ

Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay

Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước

Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao

Cung đàn trọn khúc thanh tao

Tiếng buông xé lựa, lưạ vào bốn dây”

Phan Huy Vịnh dịch

 

Tiếng đàn đã chấm dứt, nhưng Bạch Cư Dị đã dùng đôi mắt nghệ sĩ tinh tế của mình từ khung cảnh thiên nhiên mênh mông vô tận để chắt lọc những nét chấm phá thủy mạc tiêu biểu nhất hầu ghi nhận lại những âm thanh huyền diệu lắng đọng hình như còn lãng đãng rơi rớt đâu đây :

 

Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch
(Thuyền bè đông tây lặng im không một tiếng nói
Thấy giữa lòng sông một vầng trăng thu vằng vặc)

 

Bàn về tiếng đàn trong truyện Kiều , Nguyễn Du đã dùng những ý tưởng sinh động và gợi cảm của bài Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn để miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều khi hội ngộ cùng Kim Trọng , nhưng tiếng đàn ở đây không ảo não ai oán thê thiết như người kỹ nữ trên bến Tầm Dương, nhưng ta thấy những tiếng đàn mà Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe không thấm đượm vẽ lâm ly, ai oán não nùng vì đây là nỗi mừng vui của hội ngộ đoàn viên với người tình xưa Kim Trọng . Tưởng cũng nên nhắc lại “cẩm sắt” thường được dịch là đàn gấm hay đàn sắt, là loại đàn lớn, làm bằng gỗ cây ngô đồng có chạm trổ. Tiếng đàn của Thúy Kiều biểu lộ sự sung sướng, thỏa mãn như “đầm ấm dương hòa”, “êm ái xuân tình”, “ấm sao hạt ngọc” … nhưng tại sao lại có sự đối chọi “tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao “… Phải chăng Nguyễn Du muốn ám chỉ : “ vui là vui gượng kẻo là”

 

” Phím đàn dìu dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh ?

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên ?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông !
Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao .”

Nguyễn Du (Truyện Kiều)

 

Bạch Cư Dị
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Hoa Khổ Đau
Hải Đà biên soạn và tuyển dịch
Nhạc: MaiĐứcVinh,HuỳnhCôngTrứ, LêMạnhTrùy,MinhThao, PhạmAnhDũng,NguyễnTuấn.
Hải Đà-Vương Ngọc Long
Phượng Nở Trong Thi Ca
Hải Đà - Vương Ngọc Long
Xuân Về Nhớ Lại Cảnh Tình Xưa
Nhạc: Võ Tá Hân
Thơ Vương Ngọc Long
DVD KARAOKE
1.jpgHNV.jpgdhdk2.jpghdnn.jpg