Nguyên Bích giới thiệu
Trong những năm tháng gần đây giới thưởng ngoạn âm nhạc Việt Nam hải ngoại có thêm nhiều nhạc sĩ mới, nhiều ca khúc mới rất hay, rất giá trị, góp thêm vào khu vườn văn nghệ những bông hoa tuyệt vời. Gần đây, CD " Người con gái trong tranh" của Hoàng Thị Bích Ngọc, "Hãy cứ là tình nhân" của Tú Minh và những bài hát như "Tình bỗng khói sương", "Lại một chiếc lá rơi", "Trẩy nhánh sương mù" của Phạm Anh Dũng là những thí dụ điển hình. Những phương tiện hòa âm, thu thanh và thực hiện CD ngày nay đã trở thành phổ thông giúp cho những ca sĩ, nhạc sĩ có phương tiện giới thiệu đến giới thưởng ngoạn tác phẩm của mình một cách dễ dàng, không còn bị tùy thuộc vào đài phát thanh hoặc các nhà phát hành băng nhạc nữa. Nghe hoài các bản nhạc xưa cũng chán, mọi người đều thấy sáng tác mới là một nhu cầu cần thiết và vì thế, các nhạc phẩm mới, các nhạc sĩ mới càng được đón tiếp một cách nồng nhiệt hơn.
Gần đây, tôi được một thân hữu gửi tặng một CD mới, bảo là "để nghe chơi cho vui". Nhận được trong giờ làm việc, tôi cũng bóc ngay ra đặt lên máy nghe ngay cái đã. Bài nhạc đầu tiên "hớp hồn" tôi liền tức khắc. Một cung điệu ngọt ngào lãng mạn mở tung ra ngay trong những trường canh đầu tiên làm bài hát có một sức quyến rũ người nghe một cách lạ kỳ. Bài hát cứ thế tiếp diễn đầy du dương như ảo mộng nghe như tiếng thầm thì của gió. Toàn thể bài hát là một hình hài tuyệt mỹ, sống động và rất thời trang mới mẻ, không khuôn sáo cũ, không lụ khụ nghiêm trang. Nghe hết một lần, tôi nghe lại nữa, nhưng không được, nhân viên đã vào gọi ra làm việc tiếp, bệnh nhân đợi lâu quá rồi, không chờ lâu hơn được nữa. Tôi phải hậm hực mà ra, tiếng nhạc vẫn văng vẳng đâu đó trong đầu. Tối về mới thoải mái nghe lại, thấy bài nhạc này lại càng hay hơn. Tôi cứ nghe đi nghe lại mãi mà không chán. Tôi không tin là bài nhạc lại hay đến thế, bèn đưa cho mấy cô nhân viên của tôi cùng nghe, cho bạn bè khác cùng nghe và tôi lại ngạc nhiên hơn khi thấy ai cũng thích bài nhạc này cả, dù người đó là "bạn nhạc" của tôi, rất "nặng" về lý thuyết âm nhạc, rất "khó" về luật lệ cấu trúc của bài hát hay người đó là người chả thích nhạc chút nào, rất ít nghe nhạc và không cần biết đến "quãng" đến "chord progression" mà cũng vẫn thấy bài hát này "dễ thương quá".
Nhìn lại tấm bìa CD mới biết rằng đó là CD " Bao Giờ Em Biết" do Nguyễn Tuấn phổ nhạc 12 bài thơ của Vương Ngọc Long. Bài nhạc đã hớp hồn tôi ngay từ câu đầu "Gió... " là bài "Tình như thoáng mây". Nghe tiếp những bài còn lại, lại tìm thấy những hải đảo lạ khác trong quần đảo "Bao giờ em biết" này. "Cởi áo tắm mưa" là một thí dụ. Đúng là nhạc phổ thơ, lời lẽ mượt mà như nhung như gấm. "Cái yêu" và "Xin nhau giữ lại tháng ngày xôn xao" đưa người nghe về lại dĩ vãng các năm 1960-1965 với lời thơ và "mode" nhạc của thời các "thi văn đoàn học trò" thịnh hành như nhạc Pop bây giờ. "Nếu một mai tôi không còn em nữa" nghe mà rưng rưng xúc động đến nao lòng . Nếu người đó là chính mình thì sao nhỉ ? Người thơ này tình cảm sâu đậm lắm và ngưới nhạc này bộc lộ lời thơ khéo làm sao. "Mai khi ta trở về" có đoạn Major rực sáng, tôi cứ muốn nghe đi nghe lại đoạn điệp khúc này, giống như đoạn điệp khúc trong "The power of love" vậy. Thấy có e-mail address của nhạc sĩ, tôi bèn xin score bài hát và các bài thơ này, tò mò xem thơ thế nào và kỹ thuật phổ nhạc của anh nhạc sĩ tài ba này ra sao.
Anh Tuấn và anh Long thật quả là các nghệ sĩ, rất cởi mở, đã gửi ngay những tài liệu này cho tôi. Thì ra Tuấn và Long là đôi bạn học ngày xưa. Một người làm thơ, một người soạn nhạc và tác phẩm này đã ra đời như một đương nhiên phải đến. Nguyễn Tuấn là bác-sĩ thú y trước năm 1975, anh đã viết nhạc từ lâu và đã có một cuốn nhạc được xuất bản năm 1992 ghi lại những giao tình thơ nhạc với các bạn văn nghệ của anh như Phạm Thiên Thư, Thảo Phương, Thân Thị Ngọc Quế... Vương Ngọc Long là một dược sĩ, yêu thơ, làm thơ từ những năm còn học trung học, đã có đến trên 500 bài thơ đã được viết ra. Nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, không phải chỉ có Nguyễn Tuấn mà còn nhiều nữa như Võ Tá Hân, Huỳnh Công Trứ, Trần Đức Minh... Thơ Long xao xuyến rạo rực, tình tứ và hồn nhiên. Nhạc của Tuấn thì phóng khoáng, lãng mạn và du dương. Nguyễn Tuấn không bị gò bó trong lời thơ nguyên bản nên thoát khỏi được rất nhiều hình thức "đọc thơ theo điệu tân nhạc" như đa số các bài nhạc phổ thơ thường thấy. Âm điệu và tiết tấu của từng bài hát phản ảnh thật đúng ý nghĩa của từng bài thơ và đây có lẽ là yếu tố thành công chính của CD này.
Nếu quý vị yêu nhạc. Nếu quý vị thích nghe những nhạc phẩm mới hay và lạ. Nếu quý vị yêu sự lãng mạn, thích sự ngọt ngào trong âm điệu. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị CD "Bao Giờ Em Biết". Quý vị muốn có CD này, xin liên lạc với :
NT Music
P.O. BOX 10663
Harrisburg PA 17105-0663
e-mail : ntphs@hotmail.com
Viết đến đây, âm thanh của "Gió... đã ru chiều, về đi ngủ sớm..." vẫn đang vang vang bên tai. Quý vị cũng sẽ như tôi bị cuốn hút ngay vào cơn xoáy mê man của những ca khúc này. Hãy tìm nghe cho được CD " Bao giờ em biết".
Nguyên Bích
Chương trình phát thanh về âm nhạc do Hoàng Lan Chi thực hiện
Noel. Trời đang mưa. Những vùng tuyết trắng của hôm nào ở mái nhà đối diện còn trắng xóa thì nay mưa phủ và mầu tuyết trắng đã chuyển sang đá đục. Những cây phong hôm nào xanh ngút mắt rồi vàng rực khi thu về, giờ chỉ còn là những cành khẳng khiu như muốn đâm thủng nền trời xám.
Tôi nghe giòng nhạc của Nguyễn Tuấn với tình thơ Vương Ngọc Long trong mùa đông giá. 12 tình ca với những giọng hát khi trong vắt học trò Hạnh Nguyên, khi trầm ấm Quang Minh, khi da diết Nhã Phương, khi não nùng Bảo Yến, khi dịu dàng Khắc Dũng và tình tự Thùy Dương.
Nghiêm Xuân Cường, Duợc Sỹ từ vùng Michigan đã tặng cho thơ VNL những chữ hết sức đẹp đẽ, 12 bài là 12 viên ngọc lóng lánh vì từ những cảm xúc chân thật.
Chàng nói …..
Có thể quý vị nghĩ rằng NXC có vẻ rộng rãi nhưng thưa quý vị, Ngọc Mai, cô gái từ nắng ấm California đã nói về Bao giờ Em Biết như sau:
12 bài trong CD Bao Giờ Em biết, phổ thơ của nhà thơ VNL là 12 hương vị khác nhau của nhạc sĩ đem đến cho người nghe . Thông thường khi nghe một CD nhạc mới , nhất là nhạc phỗ thơ thì rất khó làm cho thính giả thấy gần gũi và cảm được với tâm tình của bài nhạc. Vì thế , muốn đem thơ vào nhạc, đem nhạc vào lòng người nghe thì đòi hỏi ở người nhạc sĩ một cảm nhận với ý thơ và một nét nhạc như thế nào để lôi cuốn người nghe thả hồn với nhà thơ, với nhạc sĩ ! Thơ trong nhạc của NT cứ như lá` nhả từng chữ một cách tự nhiên, không gượng ép nhất là những bài có tính cách tự tình.
Còn Bác Sỹ Nguyễn Bích từ nắng vàng Texas đã nghĩ gì? Chàng cũng đã dành cho CD khá nhiều ưu áị Xin hãy nghe Nguyễn Bích bầy tỏ:
Vâng, BGEB với 12 bài nhạc thánh thót du duơng. 12 viên bi mầu sắc lung linh. Lan Chi không ví là ngọc, Lan Chi gọi là bi hay sỏi vì thưa quý vị, Lan Chi thích những cái lãng mạn của viên sỏi hay học trò của viên bị
Bây giờ, xin mời đi vào từng vùng âm thanh của Bao Giờ em Biết.
Hãy nghe Ngọc Mai nói về bản nhạc được đặt cho tòan CD, nhạc phẩm BGEB
Bao giờ em biết :
Có bao giờ em thấy , mưa hồng gọi mây xanh
Có bao giờ em hay , tiếng thổn thức con tim
Anh tưởng trời là khung, anh ngỡ đêm là nhung
Bóng hình em trên cao, mắt em buồn trời sao
…bao đêm dài nhung nhớ , dệt nên ý thơ ….
Bài BGEB với giai điệu nhẹ nhàng tình tự lúc vào đầu và tha thiết một cách đáng yêu ở đọan : đến bao giờ em biết , Anh đã yêu em rồi . Xanh xanh màu mắt biếc . Tình hồng dâng đôi môi ….. Đây là đọan chính của bài mà nhạc sĩ muốn gởi gấm tâm tình rất êm ả , tình tứ .
Nhạc Phẩm Bao Giờ Em Biết- Quang Minh
Tác giả Vương Ngọc Long nghĩ gì về BGEB. VNL tâm sự răng, sau 25 năm chung sống, để đánh đấu cuộc tình đẹp, Chàng chào đòi thi phẩm Dấu Ngọc Ngà và Nguyễn Tuấn, người bạn thuở ấu thơ, duờng như dã rất đồng cảm với Chàng và đưa những vần thơ mộc mạc của Chàng thăng hoa thành những nốt nhạc muôn vẻ.
Tình khúc “Bao Giờ Em Biết” đề tưạ của CD, cũng là bản nhạc đem lại cho tôi nhiều xao xuyến, thích thú vì diễn tả những kỷ niệm dạt dào khó quên của thuở ban đầu hồn nhiên lưu luyến, tạo nhiều thơ mộng cảm xúc, vô tình dìu dắt tôi vào con đường thi ca lúc nào mà chẳng haỵ
Mỗi nhạc sĩ rung động với bài thơ từ một góc độ khác nhau, và chuyển hóa các đường nét, giọng điệu từ ngữ của bài thơ thành tiết tấu của âm nhạc, và tôi có cảm nhận – không biết rằng cá nhân tôi có chủ quan chăng - là anh Tuấn đã thành công trong việc sáng tạo nghệ thuật một cách thẩm mỹ và tài tình này . Những dòng nhạc của anh chính là tiếng nói vui buồn ngân vang ngàn cung điệu trầm bổng của trái tim thơ thổn thức, là hơi thở và nhịp sống của tâm hồn nhạy cảm .
Quý vị vừa nghe BGEB do Quang Mình trình bầỵ
Ngọc Mai thủ thỉ rằng, bản nhạc làm Nàng tò mò nghe ngay là Cởi Áo Tắm Mưạ Vâng, thưa quý vị, cái hình ảnh ấy vừa thơ ngây vừa hấp dẫn. Chúng ta nghe Ngọc Mai nói nhé
Chỉ một tựa đề này thôi cũng đã thu hút người nghe rồi . Tuy tựa đề CD như một câu hỏi : Bao giờ Em biết – nhưng không làm tôi tò mò muốn nghe nhiều nhất phải là bài CATM ! Hai chữ “ cởi áo “ thôi cũng đã khó viết thành thơ mà sau đó lại thêm hai chữ “ tắm mưa “ nữa thì quả thật là “ táo bạo “ Thế nhưng nhà thơ VNL đã đem hình tượng này qua những dòng thơ thật hồn nhiên, dễ thương và NS NT đem đến người nghe bằng những dòng nhạc du dương :
Khi anh còn bé, không biết hẹn thề , lòng chưa tái tê
Khi em còn bé , em thích ăn me , hay bắt ve chơi , hay thích khóc nhè….
Rồi một buổi trưa trời mưa , mình chui qua rào thưa , rủ nhau tắm mưa ….
Nhạc chuyển từ kể lễ qua than tiếc từ đọan : nhưng than ôi , gió cuốn mây trôi , đời bỗng rẽ đôi….vả dòng nhạc đang từ âm thứ buồn bã , than van qua đọan mang âm trưởng : hôm nay trời mưa , anh mãi âu sầu ….có nhớ ngày xưa cởi áo tắm mưa . Cái kết mang âm điệu Major trong khi lời nhạc vẫn còn tha thiết , quyến luyến đã diễn tả được cái sầu của ý thơ một cách man mác đã làm nổi bật đựơc cái ý nghĩa thâm thúy của bài thơ và làm cho bài nhạc có một sắc thái đặc biệt riêng của nó .
Tiếng hát học trò Hạnh Nguyên và dịu dàng của Khắc Dũng sẽ gửi đến quý vị CATM. Khi mới nghe bài này, tôi bảo nghe chân quê quá, bình dị quá và tôi chỉ thích đọan cuốị
Nhạc Phẩm Cởi Áo Tắm Mưa – Hạnh Nguyên và Khắc Dũng
Tôi thuờng thích những bài mà tôi gọi là tinh tự dân tộc. Cái yêu là một bài như vậy .Thùy Dương với tiếng hát ngọt ngào, cách luyến láy rất hợp với những nhạc phẩm như Cái Yêụ Chàng Nhạc Sĩ hiền như ma sơ, tôi thường gọi đùa Nguyễn Tuấn như vậy, cũng thích Cái yêụ Truớc khi nghe Thùy Dương thủ thỉ Cái Yêu, xin hãy nghe Nguyễn Tuấn tâm tình nguyên nhân nào đã đưa chàng đến với Cái yêu
Nguyễn Tuấn nói …
Còn Ngọc Mai, xin nghe ý kiến Nàng về Cái yêu
NS NT đã chứng tỏ tài năng đa dạng qua bài Cái yêu mang âm hưởng nhạc dân ca miền Bắc . Bài nhạc có nhiều luyến láy phổ theo bài thơ lục bát rất dễ thương như tựa bài . Thơ lục bát rất khó phổ nhạc , nhưng NS NT đã đem lục bát vào âm điệu dân ca trong bài này một cách thật hài hòa .
Nhạc Phẩm Cái Yêu – Thùy Dương
Chàng Nhạc Sĩ đã tốn nhiều thơi gian nhất khi phổ nếu Một Mai Tôi Không Còn Em Nữạ Quả là khéo chọn khi gửi tiếng hát Bảo Yến cho nhạc phẩm nàỵ Nếu tôi cho CATM là bình dị, chân quê thì NMMTKCYN- với tôi-, giòng nhạc khá sang trọng. Lời thơ haỵ Vào đầu da diết ngay “ nếu một mai tôi không còn em nữa” nhưng sau đó là dìu dặt nhẹ nhàng , không rên rỉ ảo nãọ Lời cuối “Cùng em ta gõ cửa Thiên Đường” nghe thật tình.
Bây giờ xin nghe Nguyễn Tuấn trải lòng và sau đó tiếng hát Bảo Yến với NMMTKCEN
Nhạc phẩm Nếu một mai tôi không còn em nữa- Bảo Yến
Nhà thơ thì thấm thía với nhạc phẩm khác. Chàng thích nhất Mai Khi Ta Trở Về. Tôi chỉ thấy lời thơ hay, không bình dị mà khá trau chuốt như Đêm cô liêu, ta nghe đời cổ tích hay Tóc xanh đồi cỏ biếc, lãng quên đời cô tịch . Nhạc dìu dăt và giọng nữ họa theo nghe khá haỵ
Vương ngọc Long gửi đến quý vị tự sự của Chàng về Mai Khi Ta Trở Về
Nói về những bản nhạc mà tôi thích nhất trong CD này, trước nhất là bản "Mai Khi Ta Trở Về", vì đây là bản nhạc đã ghi dấu thân tình quen biết giữa tôi và anh Tuấn . Tôi còn nhớ cách đây hơn 4 năm, Nguyệt San Y Tế do anh dược sĩ Vũ Văn Tùng ở CA chủ trương có đăng tải bài thơ này của tôi, thì tháng sau đó tôi ngạc nhiên và hân hạnh khi thấy bản nhạc anh Tuấn phổ bài thơ này cũng đăng trên nguyệt san, tôi có hỏi anh chủ nhiệm địa chỉ của anh Tuấn, và từ đó chúng tôi đã quen thân . "Mai Khi Ta Trở Về" là bài thơ nhạc nói lên tâm trạng, nỗi lòng của tôi trong những ngày bị tù cải tạo nơi Hiệp Đức Quảng Nam, và có lẽ cùng chung một cảnh ngộ và tâm trạng của anh Tuấn, muốn bộc bạch cái tình cảm khao khát “một ngày được trở về”, gửi gắm trong ước mơ thầm lặng, tha thiết, mong manh ẩn hiện trong những giờ phút cô đơn
Nhạc Phẩm Mai Khi Ta Trở về - Quang Minh
Nếu VNL thích MKTTV, Nguyễn Tuấn yêu Nếu Một Mai Tôi Không Còn Em Nữa thì tôi lại thích Xin Nhau Giữ Lại Tháng Ngày Xôn Xaọ Quả là ý thích âm nhạc không ai giống aị Có lẽ vì với tôi, giòng nhạc dìu dăt, lấp lánh, không buồn ảo não, không vui chan chứa và lời thơ dễ thương như “Đem thơ thả gió xoay vòng hay Nguời yêu tôi đến , đến từ kiếp sau”
Nhạc Phẩm Xin Nhau Giữ lại Tháng Ngày Xôn Xao -Nhã Phương
Môt ca khúc mà cả VNL, Ngọc Mai đều thích . XIn nghe Chàng Dược sỹ gửi Đỉnh Nhớ
Tình khúc "Đỉnh Nhớ" cũng là một trong những bài diễn tả nỗi niềm xa quê, xa gia đình, canh cánh bên lòng trong những ngày tháng ở rừng sâu núi thẳm, đìu hiu hút gió ..Và khi cuộc đời không bình thường êm ả phẳng lặng, lúc đó mới dễ cảm nhận cái giá trị tình cảm lớn lao của buồn vui ấm lạnh, ngọt bùi san sẻ, mới thấm thía cái nỗi dằn vặt giữa sum họp và chia xa, đợi mong và biền biệt , giữa hạnh phúc và khổ đau
Ngọc Mai thì không biết Nàng đang nhớ ai đến đỉnh mà đã bóc ca khúc đến tận cùng cốt lõi.
Xin mời nghe Ngọc Mai bóc Đỉnh Nhớ
Mở đầu bài nhạc là phần nhạc dạo đầu chuẩn bị cho người nghe ở một trạng thái lâng lâng giữa chót đỉnh mây ngàn để lời nhạc dẫn dắt thêm : Anh nằm trên võng đồi cao , mắt em là đó vì sao trên trời . Đong đưa chiếc võng mình tôi . Trời ơi có biết là tôi nhớ nàng ! ( tôi thích cái câu này làm sao : trời ơi ! Hai chữ trời ơi bình dị được đem vào nhạc như một câu nói tự nhiên ) Người nghe có thể hình dung ra được một khung cảnh lãng mạn : chàng nằm trên võng một buổi tối trăng sao , nhìn trăng sao nhớ đến nàng , gởi gấm tình theo gió ngàn, mây trôi: gió ơi xin vuốt tóc nàng đang hong , tình tôi gởi ánh trăng vàng , xin trăng chiếu sáng phòng nàng đêm nay …và rồi một hạt bụi cũng làm xao xuyến tâm hồn : bụi ơi hãy bám thân nàng cho tôi . Lời thơ quyện với ý nhạc và hòa âm ở đọan giữa đã làm cho người nghe đi theo cùng với tác giả đến cái chót vót của Đỉnh nhớ , cái đong đưa của nhịp võng và cái bẽ bàng khi đọan kết chuyển qua âm thứ : bây giờ đã mấy con trăng , bao nhiêu ngày tháng dở dang cuộc tình làm người nghe bồng bềnh theo cái buồn man mác ….Như đã nói ở trên , NS NT đã biết xử dụng sự thay đổi của giai điệu để tạo cho mình một nét nhạc mang sắc thái riêng . Ông không những chỉ đổi từ âm thứ qua trưởng để tránh cái buồn ảm đạm , thê lương mà ông còn chuyển từ trưởng qua thứ để tạo một cảm giác man mác trong âm nhạc như đọan kết của bài Đỉnh nhớ . VÀ cho dù thay đổi thứ qua trưởng , minor qua Major, thăng qua giáng thì cái chất buồn trong nhạc vẫn nhẹ nhàng , thanh thóat : đó là điểm làm tôi rất thích trong nhạc NT . Theo tôi được biết NS NT không những chỉ viết nhạc tình , anh còn viết nhạc đạo . Có phải cái chất nhạc của anh đã thấm nhuần cái tính chất tự tại thanh thản của thiền trong đạo pháp ?
Quý vị vừa nghe Ngọc Mai nói về Đỉnh Nhớ. Bây giờ Bảo yên xin gửi đến quý vị nhạc phẩm này
Nhạc phẩm Đỉnh Nhớ - Bảo yến
Bài cuối , Lan Chi xin gửi đến quý vị ca khúc Bao Giờ Em Hiểụ Tôi vẫn thích giọng hát trong vắt của Hạnh Nguyên. Ca khúc này kết hợp giọng trầm ấm của Quang Minh và trong trẻo của Hạnh Nguyên. Lan Chi xin nhường lời giới thiệu về nhạc phẩm này cho Ngọc Mai
Bao giờ em hiểu : bài này được trình bày với giọng nam và giọng nữ , có tính cách đối đáp nên dễ lôi cuốn người nghe .
Có lần em hỏi , anh biết làm thơ , biết làm thơ tự thưở nào …..
…từ thưở yêu em , anh biết làm thơ …..vì thơ anh là nắng tô má em hồng, vì thơ anh là mưa , mưa rơi thánh thót …
…từ thưở yêu em , anh biết làm thơ . Bài thơ cho tình nở đóa hoa xinh. Bao giờ em hiểu, bao giờ em hiểu , em ơi !...
Cái hay của những bài nhạc kiểu “ tình tự “ như thế này là nhạc sĩ đã chuyên chở ý thơ vào nhạc một cách thong thả , tự nhiên . Cứ mỗi lời thơ đi theo từng note nhạc theo tiếng hát đi đến người nghe rất nhẹ nhàng không gượng ép
Nhạc Phẩm Bao Giờ Em Hiểu – Hạnh Nguyên và Quang Minh
Kính thưa quý vị, 12 tình ca và Lan Chi vừa giới thiệu
-Bao giờ em biết
-Cởi Áo Tắm Mưa
-Cái Yêu
-Nếu một mai tôi không còn em nữa
-Mai Khi Ta Trở về
-Xin Nhau Giữ lại Tháng Ngày Xôn Xao
-Đỉnh Nhớ
- Bao Giờ Em Hiểu
Một lần nữa, Lan Chi xin Ngọc Mai gửi đến quý vị lời tổng kết về CD BGEB
Nếu nói thơ VNL đã được thăng hoa hơn qua giòng nhạc NT thì hòa âm trong CD này cũng quan trọng không kém cho nét nhạc của NS NT thêm phần đượm sắc . NS Quốc Dũng đã đem tài nghệ và tâm tình của mình biến hóa trên những âm thanh của các note nhạc của NS NT . Mỗi bài hát là mỗi một sự thay đổi khác nhau của các thể điệu và sự hài hòa của âm thanh của các nhạc cụ . Bạn có thể hình dung một ban nhạc với đầy đủ nhạc khí : piano, guitar , flute, violin , drum , accordeon, harp …..Những bài thể hiện được sự phong phú của hòa âm như : Đỉnh nhớ . Các bài theo điệu khiêu vũ như Tình trong Mơ ( Valse) , Tình nhớ ( Tango ), Thóang băng cay ( Rhumba) thật nhịp nhàng . Hòa âm của NS QD không những chỉ phong phú mà còn đa dạng qua giọng đệm back ground của Ca sĩ Hạnh Nguyên thật hài hòa với giòng nhạc và hòa âm qua các bài Tình Như Thóang Mây , Xin giữ lại ngày tháng xôn xao . Cho nhau đời tương tư . Theo tôi nhận thấy , lối đệm với giọng nữ back ground đã làm cho hòa âm của NS QD có một phong thái rất lạ , nhất là với các bài thể điệu Valse hay Slow Rock
CD này khó chọn bài nào hay nhất vì theo tôi mỗi bài đều có cái hay riêng của nó. Nếu bạn thích nhạc khiêu vũ thì CD cũng đáp ưng cho bạn qua bài Xin Nhau Giữ lại ngày tháng xôn xao ( Valse) Tình Như Thóang Mây ( Cha Cha Cha) Tình Trong Mơ ( Tango) Thóang băng cay ( Rhumba) . Nhạc mang tính cách quê hương : bài Cái Yêu , CATM .Tuy nhiên, nếu hỏi bài nào tâm đắc nhất thì tôi xin chọn bài Đỉnh Nhớ và Cho Nhau đời tương tư . Theo thiển ý của tôi thì 2 bài này đã cho thấy được sự hài hòa giữa ý thơ, lời nhạc và hòa âm .
Tóm lại CD BGEB với 12 bài đã lôi cuốn nghe qua 12 trạng thái khác nhau . Nếu bạn khó tính cách mấy cũng khó mà tìm được nhưng điều “ khó nghe” trong CD này vì nếu không thích lời bài này thì nhạc lại hay hòa âm tươi mát ……và như tôi đã nói lúc đầu , tôi đã nghe đi nghe lại mà vẫn không thấy chán ….
CD BGEB là một kết hợp hài hòa giữa thơ, nhạc, hòa âm và các giọng hát của các ca sĩ sẽ đưa bạn đến những cái đẹp tuyệt vời nhất của thơ và nhạc .
Kính thưa quý vị, Lan Chi vừa giới thiệu CD Bao Giờ Em Biết, thơ Vương Ngọc Long, nhạc Nguyễn Tuấn và Lan Chi xin được tặng chương trình này cho người bạn thuở sinh viên, Dương Đức Tuấn vì Anh đã đưa Lan Chi đến với giòng nhạc Nguyễn Tuấn và Lan Chi cũng xin phép đồng ý với Nhạc Sĩ Nguyễn Bích, quý vị nên có CD này để Nghe, để Tặng, để Cho và để Nhớ!
Hòang Lan Chi
27/12/2005