Thi Sĩ Felix Arvers và Mối Tình Câm
Phong Dao Sưu Tầm
Bạn đã từng đem lòng yêu ai một cách say mê, đắm đuối, cuồng si không?
Người tình của bạn có đáp lại tình yêu của bạn không? Nàng/ chàng có biết tình yêu ấy không? Bạn có thổ lộ tình yêu của bạn không, hay là vì e thẹn không dám hé môi? Xưa nay trên thế gian đã có biết bao mối tình câm như vậy, nhưng chỉ có một người nói lên mối tình câm u uẩn đó là Féùlix Arvers qua bài thơ nổi tiếng “Sonnet d’Arvers”:
Một trăm bảy mươi năm trước đây, ở Paris, một nhà thơ, nhà soạn kịch Pháp bản tính rụt rè tên Félix Arvers yêu nàng Marie Nodier (con gái của văn sĩ Charles Nodier) – vợ của bạn ông - một cách điên cuồng. Không có cách nào để thổ lộ tình yêu thầm kín của mình, nhà thơ chỉ còn cách gửi gắm mối tình đơn phương tuyệt vọng của mình trong một bài thơ sonnet (thể thơ cổ điển 14 câu).
Bài thơ thật cảm động, gây ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ trong giới văn nghệ sĩ Paris thời bấy giờ, và chẳng bao lâu bài thơ Sonnet d’Arvers đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng và trở thành một thi phẩm lãng mạn trong văn chương Pháp sau khi ông qua đời vào năm 1850, ở tuổi 46.
Bài thơ này trích từ thi phẩm “Mes Heures Perdues” (My Lost Hours), là bài thơ duy nhất nổi tiếng nhất và được nhiều người ái mộ nhất đến nổi khi nhắc đến ông, giới văn học Pháp gán cho ông “Thi sĩ của một bài thơ duy nhất” (The Poet of a unique poem).
Bài thơ “Tình Tuyệt Vọng” nói lên một cách đau khổ và xót xa mối tình mà nhà thơ đã từng ngày đêm ôm ấp, giấu kín trong lòng cho đến ngày từ giã cõi đời. Người đẹp mà thi sĩ đã yêu thầm trộm nhớ là Marie Nodier mà chàng được gặp nhiều lần trong những buổi họp bình thơ văn do thân phụ nàng là nhà văn Hàn Lâm Viện Học sĩ Pháp Charles Nodier (1780-1844) tổ chức tại thư viện Arsenal (hồi ấy ông làm giám quản thư viện (conservateur de bibliothèque) và đã quy tụ nhiều văn sĩ, thi sĩ lừng danh như Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Lamartine và Félix Arvers là một thi sĩ đã nổi tiếng ngay thời còn học sinh bậc trung học, được Giải Thưởng Danh Dự Latin, Giải Nhất Pháp Văn trong những cuộc thi cạnh tranh hồi bấy giờ. Ông tốt nghiệp trường Đại Học Luật Khoa và đã từng làm luật sư một thời gian ngắn rồi xin thôi việc lúc vừa được 30 tuổi để có thì giờ sáng tác cho kịch nghệ và thi ca. Có lẽ tài năng của Félix Arvers đã được Charles Nodier chú ý nên gọi mời nhà thơ đang lên vào làm thư ký cho ông vừa làm gia sư (précepteur) dạy kèm cho ái nữ Marie, và có thể thi sĩ Arvers đã yêu nàng Marie trong thời gian này. Nhưng không hiểu tại sao nhà thơ của chúng ta lại không dám tỏ tình cùng nàng, cho đến ngày nàng lên xe hoa theo chồng (vào năm 1933) để trở thành bà Marie Mennessier-Nodier. Lúc này Arvers mới được 27 tuổi. Bài Sonnet d’Arvers diễn tả mối tình tuyệt vọng thầm kín cùng những niềm đau quằn quại, những lời trách móc về thái độ dững dưng của nàng Marie mà Félix Arvers mô tả trong câu “Hélas! j’aurai passé près d’elle inaperçu, Toujours à ses côtés et pourtant solitaire”- Hỡi ơi người đó, ta đây, Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân? Nhà thơ của chúng ta đã sống trong đau khổ, khắc khoải với “mối tình đơn phương” trong suốt gần 20 năm và sau cùng đãõ mang nó theo xuống tận đáy mồ.
Bài thơ tuyệt tác này được Khái Hưng dịch (theo thể lục bát).
Hồi những năm 1950, 1960 ở Việt Nam, giới học sinh, sinh viên, không ai là không biết và thậm chí có người đã học thuộc lòng bài thơ dịch này vì nó rất hợp với tình yêu lãng mạn của giới trẻ.
Có nhiều bản dịch từ bài thơ tiếng Pháp này, nhưng không có bài nào qua mặt được bản dịch của Khái Hưng.
Sau đây là nguyên bản tiếng Pháp của bài thơ Sonnet d’Arvers:
L’ Amour Caché
Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu:
Le mal est sans espoir, aussi j’ai du le taire,
Et celle qui l’a fait n’en a jamais rien su.
Hélas! j’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire;
Et j’aurai jusqu’au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l’ait faite douce et tendre,
Elle suit son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d’amour élevé sur ses pas.
A l’austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle:
“Quelle est donc cette femme ?” Et ne comprendra pas!
Bản dịch của Khái Hưng:
Tình Tuyệt Vọng
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi người đó, ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng đâu dám một lần hé môi.
Người dù ngọc thốt, hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen,
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình!
Một niềm tiết liệt, đoan trinh
Xem thơ nào biết là mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng
Người đâu tả ở mấy giòng thơ đây.
Bản dịch tiếng Anh của thi sĩ Mỹ Henry Wadsworth Longfellow (1807- 1882)
My Secret
My soul has its secret, my life too has its mystery,
A love eternal in a moment’s space conceived;
Hopeless the evil is, I have not told its history,
And she who was the cause nor knew it nor believed.
Alas! I shall have passed close by her unperceived,
Forever at her side, and yet forever lonely,
I shall unto the end have made life’s journey, only
Daring to ask for naught, and having naught received.
For her, though God has made her gentle and endearing,
She will go on her way distraught and without hearing
These murmurings of love that round her steps ascend,
Piously faithful still unto her austere duty,
Will say, when she shall read these lines full of her beauty,
“Who can this woman be?” and will not comprehend.
( Felix Arvers. My Secret.
Translation: Henry Wadsworth Longfellow).
Nhà thơ Vương Ngọc Long xúc động về bài thơ trên, đã họa lại một bài với nội dung “tình tuyệt vọng/tình bất tử”:
Tình Bất Tử
(Ngàn Năm Tôi Vẫn Yêu Nàng)
Ngàn năm ấy, vẫn ngàn năm ấy
Mặt trời vẫn ngủ ở phương Tây
Ngàn năm đến, vẫn ngàn năm đến
Tôi vẫn yêu nàng trọn kiếp mây...
Yêu nàng, như yêu một dòng sông
Nước tình chẳng cạn suối trong lòng
Sông dài có nối ra biển rộng
Tôi vẫn yêu nàng, ai biết không?
Dòng suối tình yêu vẫn cuồng chảy
Sao trời ân ái mãi cuồng say
Ngôn từ “ngàn năm” nào diễn tả
Tôi vẫn yêu nàng, ai có hay
Cho tình có cuốn theo chiều gió
Vẫn trải trong tôi thảm đợi chờ
Vẫn giữ hồn tôi lời nguyện ước
Tôi vẫn yêu nàng, tôi vẫn mơ...
Ngàn năm đến, rồi ngàn năm đi
Hao mòn thân xác mối tình si
Ở tận phương nao đời phiêu bạt
Tôi vẫn theo nàng, bóng chim đi
Khung trời yêu, xin đừng lỗi hẹn
Cho tình tôi ôm trọn ước nguyền
Trong cơn mưa dầm hay nắng hạ
Ngươi tình ơi, tôi vẫn... cuồng điên
Ngàn năm ấy, vẫn một dòng sông
Mặt trời vẫn dậy ở phương Đông
Ôi tình lung linh trong mộng ngọc
Người yêu ơi, còn nhớ tôi không?
Nhân ngày Valentine – Ngày Tình Nhân – những người yêu nhau hãy dành riêng một phút để tưởng niệm Thánh Valentine, gốc người La Mã, người mà trên 1700 năm trước đây là một linh mục dưới triều đại của hoàng đế Claudius, đã tranh đấu cho những cặp tình nhân được tự do yêu đương và được đoàn tụ. Thánh Valentine chết vào ngày 14 tháng Hai, năm 269 sau công nguyên. Vào năm 496, Giáo hoàng Gelasius dành ngày 14/02 để vinh danh vị Thánh này./-
Phong Dao sưu tầm
nguồn: http://www.vietnamdaily.com