Tiếng Đàn Trên Sông
Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị
Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị (Phần 4)
Tranh: Quỳnh Hương
Tưởng cũng ghi lại lại đây bài thơ nguyên tác Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn để tìm sự liên hệ đồng cảm về ý tưởng mà Nguyễn Du mà muốn vay mượn để diễn tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm ly cách :
Cẩm Sắt
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thưng hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên.
Lý Thương Ẩn
Đàn Gấm
Đàn gấm vì sao năm chục dây
Mỗi dây thầm nhớ tuổi hoa bay
Sớm mơ hóa bướm Trang sinh đó
Xuân mộng lời quyên Vọng đế nầy
Trăng biển long lanh hàng lệ biếc
Ngọc Lam nồng ấm khói vờn mây
Tình xưa gợi nhớ trang hoài niệm
Duyên cũ chơi vơi luống đọa đày
Hải Đà phỏng dịch
Còn thêm một tiếng đàn khác với muôn vàn cung điệu được diễn tả một cách rất tài tình bởi một thi sĩ đời Đường mà thiên hạ thường gọi là Thi Quỷ Lý Hạ, là một thiên tài đã bị lãng quên. Lý Hạ là một hiện tượng kỳ dị trong nền thi ca Trung Quốc, thơ của ông được truyền tụng là “Thi trung hữu quỷ “ (trong thơ có quỷ ), nghe thật là quái đãng làm sao! Thơ của ông ảo não, ai oán, bi hận, vương vấn cõi âm mờ mịt, gây ấn tượng kỳ lạ trong lòng người đọc … Ông đã lận đận trên đường công danh sự nghiệp, bị người đương thời ti tiện dèm pha ganh ghét … như Lý Hạ đã từng uất hận thổ lộ tâm tình “ hai mươi tuổi mà chưa hề đắc ý , tấm lòng sầu tựa cánh lan khô “ (Ngã đương nhị thập bất đắc ý , Nhất tâm sầu tạ như khô lan ) . Bài thơ cảm hứng từ lời ca tiếng nhạc của Lý Hạ được nhiều người biết đến là bài “ Lý Bằng Không Hầu Dẫn “ – bài ca về tiếng đàn “không hầu” của Lý Bằng , là loại đàn xưa gồm 25 dây dùng ngón tay búng mà phát ra âm thanh . Theo tác giả Huỳnh Ngọc Chiến tuyển dịch và bình chú :“ Chơi đàn là một nghệ thuật, nghe đàn lại là một nghệ thuật khác không kém . Thơ ca Trung Quốc và Việt Nam thường có nhiều bài thơ nói về tiếng đàn. Nghe nhạc đến mức như Lý Hạ đã là bậc thượng thừa . Nhà thơ phải nhờ vào những cái tượng hình để diễn tả thanh âm, phải thác vào những cái không phải nhạc để nói lên nhạc, nên bài thơ dễ trở thành sáo rỗng . Nhưng những thi sĩ chân tài khi đem cái tài hoa của mình để trộn lẫn vào cái sáo rỗng thì cái sáo rỗng cũng trở nên bay bướm thanh tao . Thử hỏi tiếng ngọc vỡ hay tiếng phượng hoàng hót thì nói được gì về âm nhạc ? Giả sử có kẻ tài tử nào đó trong đời đem tiền muôn bạc vạn mua ngọc về đập vỡ để nghe được tiếng ngọc tan, vì thói cuồng ngông một thuở , thì cái đó cũng chỉ được trong muôn một . Nào phù dung khóc sương mai, nào hương lan hé nụ, nào những dư ba vang động đến chín tầng trời … cũng đều là sự biểu hiệu của tâm hồn trong một tiếng tơ “(HNC – Lý Hạ Quỷ Tài Quỷ Thi)
Lý Bằng Không Hầu Dẫn
Ngô ti Thục đồng trường cao thu
Không sơn ngưng vân đồi bất lưu
Nữ Oa đề trúc, Tố Nữ khấp
Lý Bằng Trung Quốc đàn không hầu
Côn Sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu
Phù dung khấp lộ hương lan tiếu
Nhị thập môn tiền dung lãnh quang
Nhị thập tam ti động Tử hoàng
Nữ Oa luyện thạch bổ thiên xứ
Thạch phá thiên kinh đậu thu vũ
Mộng nhập thần sơn giáo Thần ẩu
Lão ngư khiêu ba sấu giao vũ
Ngô Chất bất miên ỷ quải thọ
Lộ cước tà phi thấp hàn thố
Lý Hạ (789-816)
Tiếng Đàn Không Hầu của Lý Bằng
Tơ Ngô gỗ Thục cung đàn
Mây thu đứng lặng, núi ngàn quạnh hiu
Tiếng ai khóc trúc tiêu điều
Lý Bằng dạo khúc cô liêu ngỡ ngàng
Tiếng như phượng hót ca vang
Xót xa ngọc vỡ núi ngàn mênh mang
Phù dung nức nở sương tàn
Tiếng đưa hương ngát hoa lan mỉm cười..
Cổng đình rực sáng reo vui
Hăm ba dây động tơ trời chơi vơi
Tiếng như luyện đá vá trời
Mưa thu ngưng đọng rã rời thanh âm
Tiếng đàn ru giấc mộng thần
Giao long nhảy múa rập rờn cá bay
Người xưa thức trắng đêm dài
Trăng khuya thấm ướt gót hài đẫm sương
Hải Đà phỏng dịch
(bài thơ có nhiều điển cố nên tác giả chỉ xin phỏng dịch)Tiếng đàn đã biểu lộ những tình cảm biến thiên của con người, nhưng tiếng đàn cũng cảm hóa lòng người, mang sự thanh thoát nhẹ nhàng để khai ngộ, như một bài thơ của Lý Bạch hàm chứa một triết lý sâu xa về cuộc đời khi diễn tả tiếng đàn của Thục Tăng Tuấn, một ẩn sĩ thiền tu ở núi Nga My .. Tiếng đàn ngân vang khi ráng chiều buông phủ, sương trắng mờ ẩn hiện ...nghe như tùng reo vang trong khe suối, như tiếng nước chảy róc rách rửa sạch mọi ưu phiền tục lụy trong cuộc sống đời thường, với tiếng chuông văng vẳng đâu đây để người thơ thấu suốt sự lý, liễu ngộ trần tục .. Tiếng đàn của Thục Tăng đã đem đem lại sự vi diệu của trí huệ, triển khai cuộc sống con người đến thế giới lâng lâng siêu thoát của thiền thi và đạo pháp.
Thính Thục Tăng Tuấn Đàn Cầm
Thục tăng bão lục ỷ
Tây hạ Nga My phong
Vị ngã nhất huy thủ
Như thính vạn hác tùng
Khách tâm tẩy lưu thủy
Dư hưởng nhập sương chung
Bất giác bích sơn mộ
Thu vân ám kỷ trùng
Lý Bạch
Nghe Sư Thục Gảy Đàn Cầm
Thục Tăng ôm chiếc đàn cầm
Từ phương Tây xuống đến gần Nga My
Vì ta gảy khúc trúc ty
Nghe như tùng bách thầm thì dưới khe
Nước trôi rũ sạch lòng mê
Sương rơi huyền ảo vọng về tiếng chuông
Núi xanh phủ bóng chiều buông
Mây thu lớp lớp chập chùng mênh mang
Hải Đà phỏng dịch
Bài thơ Đàn Cầm và U Cầm của Lưu Trường Khanh đã diễn tả tiếng đàn thanh trong, dìu dặt , êm ái , dịu dàng như hơi gió lành lạnh thoảng qua làm rung nhẹ những ngọn thông vi vút … giống như khúc “Phong nhập tùng” (Gió thổi cành thông) mà người xưa đã gửi gắm tâm tình qua tiếng đàn trầm bổng ngân rung .. Bài thơ của Lưu Trường Khanh đã muốn nói lên cái tâm sự tiếc thương nhung nhớ khúc đàn xưa êm ái, tức là đàn cầm thường hay xử dụng vào thời Hán ngụy, Lục triều … đến khi qua đời Đường thì người ta lại thích gảy đàn Tì bà hơn .
Đàn Cầm
Lãnh lãnh thất huyền thượng
Tịnh thính tùng phong hàn
Cổ điệu tuy tự ái
Kim nhân đa bất đàn
Lưu Trường Khanh
Gảy Đàn Cầm
Bảy dây thánh thót đàn rung
Lắng nghe hơi lạnh gió tùng đong đưa
Tuy rằng ta thích điệu xưa
Ngày nay chẳng mấy ai ưa gảy đàn …
Hải Đà phỏng dịch
U Cầm
Nguyệt sắc mãn hiên bạch
Cầm thanh nghi dạ lan
Lưu lưu thanh ti thượng
Tịnh thính tùng phong hàn
Cổ điệu tuy tự ái
Kim nhân đa bất đàn
Hướng quân đầu thử khúc
Sở quý tri âm nan
Lưu Trường KhanhĐàn Buồn
Ngoài hiên trăng tỏ trắng ngần
Đêm nghe trầm bổng tiếng đàn nhẹ bay
Dây tơ dìu dặt ngất ngây
Lắng nghe gió lạnh lắt lay thông ngàn
Đàn xưa ta thích vô vàn
Ngày nay mấy kẻ thích đàn .. than ơi !
Đàn đây.. gảy khúc tặng người
Tri âm muốn gặp trên đời khó thay !
Hải Đà phỏng dịch
Thi sĩ Lạc Thủy Đỗ Quý Bái là người rất có lòng mến mộ Đường Thi từ khi còn trẻ. Ông cũng đã chịu ảnh hưởng nhiều về bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị. Sau Tết Mậu Thân, vào thời điểm thương phế binh đã hy sinh một phần thân thể của mình, nhưng không được chính quyền quan tâm giúp đỡ, đã phải "kiếm đất cắm dùi" dành quyền sống, nhà thơ Lạc Thủy đã xúc động trước hoàn cảnh thương tâm bi đát của xã hội, và thêm vào đó Ông cũng cảm thấy đau lòng trước sự mất mát, ra đi vĩnh viễn của người bạn hiền thân thiết, một bạn đồng song có lương tâm của Ông là BS Phạm Đình Bách đã bị pháo kích và tử thương trong cuộc chiến, nên thi sĩ Lạc Thủy đã xúc động sáng tác bài trường thi "Đoạn Trường Ngâm Khúc", cũng theo thể song thất lục bát. Bài thơ này cũng được tác giả đặt tên là "Bài Ca Trên Bến Sông" cùng mang một hoài cảm, cấu trúc, và thể điệu như bài Tỳ Bà Hành, mà âm thanh huyền diệu đem lại sự rung động xao xuyến trong bài thơ là tiếng sáo đồng thay vì tiếng đàn tỳ bà. Bài thơ đã thể hiện được sự tương giao mật thiết giữa đời sống nội tâm, xã hội chung quanh, và nỗi niềm nhân thế. Qua sự diễn tả tiếng sáo vi vút trầm bổng, thê lương não nuột, tê tái bi phẫn, len thấm vào tâm hồn người đọc, vang vọng khôn nguôi, tác giả chỉ ước vọng dùng : "Bút cùn ghi đoạn tràng một khúc . Mong thế nhân trong đục tỉnh say. Soi gương tự ngắm mặt mày. Sao cho dân Việt đỡ cay đắng lòng … LT- ĐQB"
Nếu khách chẳng chê rằng rầu rĩ
Cũng xin chiều nhã ý vài hơi
Tay thần rung vuốt nhặt lơi
Không gian phút chốc ngập lời oán than
Nghe chua xót bào gan xé ruột
Nghe thảm sầu tê buốt óc tim
Nước cau mày lệ im lìm
Trăng tà ảm đạm khuất chìm trời tây
Gió gây gay cho đầy nuối tiếc
Mây bàng hoàng đặc sệt hờn căm
Trầm như ma khóc cõi âm
Cao như trời thẳm bặt tăm phi thuyền
Giốc, chủy rũ ré lên nức nở
Đồ rê mi rung vỡ sao khuya
Trắng sông sương muối ủ ê
Ngàn dừa hiu quạnh lê thê dâng sầu
Ai ngăn nổi rầu rầu nét mặt
Khi điệu buồn lan khắp sơn khê
Tiêu điều như đọan như chia
Chủ nhân gác sáo tái tê thở dài
Đoạn Trường Ngâm Khúc / Bài ca Trên Bến Sông
(Lạc Thủy- Đỗ Quý Bái)
Bài thơ "Đoạn Trường Ngâm Khúc" là một bản giao hưởng đầy màu sắc và âm điệu Đường Thi, đã biểu lộ được sự phong phú mẫn cảm của tâm hồn, phản chiếu những tình cảm tinh tế của con người, đầy trắc ẩn nhân tình, giọng điệu thơ trang nhã và thẩm mỹ, mang cốt cách thi nhân cổ điển. Tiếng sáo ngân vang réo rắt muôn cung điệu trong bài thơ , đã phản ảnh thực tại của đời sống, cũng chính là tiếng lòng riêng tư thầm kín mà tác giả muốn bộc bạch một cách thuần hậu chân tình . Phải chăng Thơ để hóa giải nỗi lòng khắc khoải, niềm đau thương tê tái và uẩn khúc ưu thời của thi nhân ?
Thật phức tạp khó lòng mô tả
Giá được như Tư Mã Giang Châu
Lắng tai nghe trọn niềm sầu
Ắt là hợp ý tâm đầu cũng nên
(Lạc Thủy – Đỗ Quý Bái)
Chu Mạnh Trinh trong tập thơ Vịnh Kiều với ý tứ cảm động và lời lẽ nhẹ nhàng, đã bày tỏ nỗi niềm tâm can với tất cả chân tình dạt dào cảm xúc, đã bênh vực cho số kiếp hồng nhan bạc mệnh, phải chăng ông đã muốn mượn hình ảnh của người ca kỹ trên bến Tầm Dương dể ngụ ý nói lên cái thuyết tài mệnh tương đố của người phụ nữ có tài sắc bị ba chìm bảy nổi trong biển khổ trầm luân : “ Than ôi! Một bước phong trần mấy phen chìm nổi, trời tình mờ mịt, bể giận mênh mông . Sợi tơ mành theo gió đưa đi ; cánh hoa rụng chọn gì đất sạch . Ai dư nước mắt khóc người đời xưa, thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa …“ (Bài Tựa Truyện Kiều- CMT – Đoàn Qui dịch) ..
Cái buồn rười rượi trong những dòng thơ cảm xúc nhân thế, ngậm ngùi cho cõi nhân sinh, mang nỗi thống thiết, buồn đau kim cổ, qua hình ảnh của người xưa, vọng lên từ đáy hồn sâu thẳm của người thơ. Cái thân phận bèo dạt hoa trôi của người ca kỹ bến nước Tầm Dương hình như mơ hồ ám ảnh trong nhiều bài thơ của Vũ Hoàng Chương :
Thuyền buộc sông mưa
Ngựa dừng trăng khuyết
Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt
Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu
(Dâng Tình - Vũ Hoàng Chương)
Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ
Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ
Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi
Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ
Có lẽ ngàn xưa là đáy sông
Đêm đêm giọt lệ gái xa chồng
Đè theo đôi tiếng Tỳ hư ảo
Dâng tới thuyền ai ngủ bến không …
(Đà Giang – Vũ Hoàng Chương)
Đàn rưng rưng lệ phách dồn mưa
Tiếng hát tàn rơi hận thuở xưa
Bụi nhuốm Thiên Thai nhòa hứng rượu
Đời sau say giúp mấy cho vừa
Cô đơn men đắng sầu trăng bến
Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa
Nhịp đổ càng mau nghe ríu ríu
Tê rời tay ngọc lúc buông thưa
(Dựng – Vũ Hoàng Chương)
Bây giờ chúng ta hãy nghe Vũ Hoàng Chương diễn tả ý đàn , tức là cái hồn của tiếng đàn … Tiếng đàn ngân vang đã ca tụng cái niềm thi vị hoan lạc của thế gian .. “sóng đàn ngây nhịp chèo thơ “, chuỗi âm thanh êm ả, trong trẻo như “lòng hoa nghiêng dáng cầm trăng”, những tiếng đàn làm dày vò trí nhớ, như một bản năng khao khát và mãnh liệt, ám ảnh đưa người thơ gợi nhớ một chiều xưa nào đó trên bến sông “ hững hờ nước trôi “ . Một tiếng đàn, một âm thanh, một hình ảnh rất tình cờ, cảm nhận và khởi phát từ một vô thức đột ngột nào đó, như một mạch ngầm tuôn chảy hồn nhiên, bỗng trở nên xao xuyến tình tứ lung linh, đã gây một sự chấn động hồn thơ, vọt trào cảm hứng, gây sự thôi thúc nội tâm người thơ, quằn quại trong một thế giới mông lung khó hiểu của thơ và nhạc quyện vào nhau : “Tiếng cầm chưa tắt dư ba . Nao nao nguồn máu lời ca vọng về …”
Ý Đàn (Vũ Hoàng Chương)
Mơ xanh đắng vị thu già
Sắt vàng chen, ngón tay ngà gió mưa
Chiều nay gợi nhớ chiều xưa
Bao giờ quên phút bây giờ cho chăng
Lòng hoa nghiêng dáng cầm trăng
Phím dây bừng thức cung Hằng áo xiêm
Lắng tai càng vẩn nỗi niềm
Thoắt dồn mau thoắt buông chìm tiếng tơ
Sóng đàn ngây nhịp chèo thơ
Mà bên thuyền chỉ hững hờ nước trôi
Một cung Lưu thủy ngậm ngùi
Men thiêng hồ dễ say người được sao
Lỡ nhau mùa chớm bông đào
Gặp nhau thà giấc chiêm bao trước đèn
Tỉnh thôi gối lệ đầm hoen
Tiệc tan bèo nước sầu lên hôn hoàng
Chơ vơ một đảo lòng hoang
Chiếu câm màu biển tường loang sắc trời
Quanh mình phấn rụng hương rơi
Cánh phiêu lưu chợt rã rời bướm hoa
Tiếng cầm chưa tắt dư ba
Nao nao nguồn máu lời ca vọng về
Rối tung hai mái tóc thề
Mây trời cỏ đất lê thê bóng chiều
Hội nhập trong tiếng đàn của Vũ Hoàng Chương là những “màu sắc” hài hòa trong thơ (Chiếu câm màu biển tường loang sắc trời ), phảng phất những “mùi hương” lãng đãng (Quanh mình phấn rụng hương rơi), những âm điệu nồng nàn quyến rũ mê li (phím dây bừng thức cung Hằng áo xiêm) , làm ta liên tưởng đến những ý tưởng lạ lùng trong bài thơ Huyền Diệu của Xuân Diệu :
Huyền Diệu (Xuân Diệu)
Này lắng nghe em hát khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn
Như hương thấm tận qua xương tủy
Âm điệu thần tiên thấm tận hồn
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường
Dần vào thế giới của du dương
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương …
Hãy nghe lẫn lộn ghé bên tai
Giọng suối, lời chim, tiếng khóc ngươì;
Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc
Ngọt ngào than gọi thuở xa khơi …
Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im,
Hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim
Còn cứ run hoài như chiếc lá
Sau khi trận gió đã im lìm
Xuân Diệu (Huyền Diệu)
Ở trong cái cái thế giới âm nhạc đó, người đọc sẽ cảm nhận được “hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng với nhau” ( Les parfums, les couleurs et les sons se répondent ) như lời của thi-sĩ Charles Baudelaire , người thơ của chán chường và tuyệt vọng đã diễn tả :Comme de longs échos qui de loin se confondent
Dans une ténébreuse et profonde unité,
Vaste comme la nuit et comme la clarté,
Les parfums, les couleurs et les sons se répondent.
Correspondances – Charles Baudelaire
Như tiếng vọng từ xa xăm lẫn lộn
Trong không gian sâu thẳm bóng đen dày
Mênh mông quá đêm dài và ánh sáng
Giữa thanh âm tương ứng sắc hương đầy
(Hải Đà)
Ý đàn buông lơi của Vũ Hoàng Chương như những sợi tóc tơ mềm mại đã tạo ra những hình ảnh hoài niệm diễm tuyệt và những xúc động lạ lùng cám dỗ ngấm sâu vào nội tâm …để cùng “rợn ý say” như một tâm trạng của Bích Khê :
Tóc xõa đàn tơ rơi lướt thướt
Hồn thu đã hiện khóc thu gầy
Tôi nhìn đôi mắt rưng rưng lệ
Cả mảnh hồn thơ rợn ý say
Tóc Xõa Đàn Tơ (Bích Khê)
Người kỹ nữ đó đã đánh mất tuổi thanh xuân , có còn chăng chỉ là tiếng đàn tỳ bà chan chứa lệ, đẫm ướt vạt áo xanh của chàng Tư Mã Giang Châu … Có lẽ trong chiều sâu ý tưởng của người thơ luống tuổi về chiều xúc động với những âm đàn tha thiết của người kỹ nữ trên bến nước Tầm Dương có những ý nghĩ thầm kín, cất dấu thăm thẳm trong lòng, chẳng bao giờ muốn bộc bộ cùng ai:
Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa.
Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ.
Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến Thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha...
Tình Cầm (nhạc Phạm Duy, thơ Hoàng Cầm)
Kết Luận: Trong thế giới huyền ảo của nghệ thuật âm nhạc, tiếng đàn tuyệt diệu chính là tiếng hát của con tim mẫn cảm, tác động tâm hồn và khêu gợi hình ảnh, tạo những nhịp đập cảm xúc mãnh liệt, những chuỗi liên tưởng gợi hình , đó là những âm thanh hữu tình nhờ năng lực huyền nhiệm của thi ca mà chấp cánh bay lượn trong khung trời cảm xúc vô biên . Tỳ Bà Hành là một nghệ thuật thơ siêu việt, đã gây mãi những ấn tượng cực kỳ sâu sắc, lắng đọng vào chiều sâu của tâm tưởng và trí tuệ . Bài thơ là sự kết hợp tài tình nhuần nhuyễn giữa ý từ , ngôn ngữ và âm thanh, giống như một bản hòa âm huyền diệu biến chuyển nhịp nhàng, mỗi điệp khúc là một hình tượng diễn cảm đặc biệt dẫn dắt người đọc đi hụt hẫng giữa mộng và mơ, giữa thực và ảo, không bến bờ, triền miên vô tận . Ý từ diệu vợi, phong vận tuyệt vời, ngôn ngữ gợi cảm và âm hưởng kỳ lạ của Bài Tỳ Bà Hành thắm đượm tình người, man mác ngậm ngùi cho cảnh đời dâu bể, đã kích động nguồn cảm ứng tự nhiên của tác giả. Người viết xin mạo muội gửi đến bạn dọc những cảm nghĩ riêng tư qua bài thơ Vô Đề 5:
Vô Đề 5
Gió thổi hắt tơ tình tung vạn hướng
Mắt sầu thu huyễn mộng tận phương nào
Thuyền long đong ngậm ngùi đêm tĩnh lự
Hồn ly hương quanh quất giữa ngàn sao
Từ thuở đó có bao giờ nghe lại
Tỳ bà xưa khe khẽ khúc cô liêu
Sương khói tỏa sa mù trên sông lạnh
Trái tim người hiu hắt phủ xanh rêu
Mưa sướt mướt xói mòn đêm ủ rũ
Lời hư không đồng vọng khúc bi trầm
Trăng cảm ứng từ trời cao bất tận
Cung bậc sầu tri ngộ với tao nhân
Khơi tro lạnh giữa dòng đời lưu lạc
Tìm men nồng trong rượu đắng nhân sinh
Khúc nhạc trỗi ân tình đêm quyến luyến
Mà sông trăng nước chảy vẫn vô tình
Đàn, sông lạnh cùng người không ước hẹn
Ngẫu nhiên sao che dấu một lời thề
Âm vang mãi muôn đời tình vĩnh cửu
Có đi xa ngàn dặm vẫn quay về …
Hải Đà - Vương Ngọc Long
(Bài sưu khảo nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, kính mong sự lượng thứ và thông cảm của quí bậc túc nho trưởng thượng và quí bạn đọc yêu thơ. )
Cung Đàn và Tình Thơ
Taygầy từng nhánh xanh xao
Khẽ rung phiếm mỏng ngọt ngào điệu ru
Cung nào trầm bổng phiêu du
Đong đưa cánh nhạn tít mù xa khơi
Âm đàn luyến láy chơi vơi
Tiếng xao xuyến nhẹ ru đời chiêm bao
Cung nào dồn dập xôn xao
Đầu non suối đổ lệ trào biển dâu
Dây dưa một khúc tơ sầu
Dạ tê tái dạ, lòng đau đớn lòng
Triều dâng sóng bạc phiêu bồng
Trăm năm gió hút cuốn dòng sông xa
Cung nào man dại kiêu sa
Đôi bờ viễn mộng nở hoa ân tình
Gió đưa thuyền nhẹ lênh đênh
Chơi vơi cung thủy dập dềnh nổi trôi
Cung nào bạt gió lẻ loi
Sụt sùi mắt lệ khóc đời cô liêu
Nguyệt tà réo rắt thanh tiêu
Lắt lay cành trúc quạnh hiu canh trường
Ẩn tình vọng khúc quê hương
Mênh mang sóng nước vô thường dạt trôi
Cung nào nức nở hồn soi
Sông hồ lưu lạc lạnh đời ly hương
Ai về phơi bóng tà dương
Ngàn thu tịch mịch sầu vương mấy bờ
Lời ru từ thuở nguyên sơ
Vườn trăng rơi rụng tiếng thơ bàng hoàng
Cung nào thỏ thẻ oanh vàng
Giữa đêm đàn nguyệt gió ngàn đẫm hương
Cung nào ánh mắt em thương
Tiếng thơ dìu dặt du dương phím đàn …
Vương Ngọc Long